Cuộc báo thù của Công chúa nhiếp chính Đại công quốc Kievan Rus

  •  
  • 1.863

Công chúa được phong thánh của đại công quốc Kievan Rus, ngày nay thuộc Ukraine, Nga và Belarus, đã thực hiện cuộc báo thù khủng khiếp với bộ tộc đã giết chồng bà.

 Thánh "Olga của Kiev" từng là người đã tiến hành một cuộc báo thù tàn khốc.
Thánh "Olga của Kiev" từng là người đã tiến hành một cuộc báo thù tàn khốc. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Năm 945, Hoàng tử Igor, người cai trị Kievan Rus (công quốc có lãnh thổ rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga ngày nay, với thủ đô là Kiev) đã du hành đến những vùng rìa đế chế của mình. Một bộ lạc địa phương là Drevlian đã ngừng cống nạp, bắt giữ Igor và buộc ông phải chịu một hình thức tra tấn và sát hại khủng khiếp. Nhưng chẳng bao lâu sau, người Drevlian phải trả giá đắt bởi cuộc báo thù tàn khốc của vợ Igor, Công chúa "Olga của Kiev".

Trong 15 năm sau cái chết của chồng, Công chúa Olga gần như dành toàn bộ thời gian để tìm cách tiêu diệt người Drevlian. Vào năm 1547, Nhà thờ Chính thống giáo Nga đã phong bà là một vị thánh, và ngày nay, "Olga của Kiev" vẫn là vị thánh bảo trợ của các góa phụ và người cải đạo ở Ukraine.

Nữ nhiếp chính của Kievan Rus

Công chúa Olga sinh vào khoảng năm 900, ở khu vực ngày nay là Pskov, thuộc Nga, gần biên giới với Estonia. Nhưng vào thời điểm đó, thành phố là một phần của đế chế Viking rộng lớn được biết đến với tên gọi Kievan Rus.

Đế chế Byzantine (màu đỏ), với thủ đô là Constantinople và đế chế Kievan Rus (màu xanh mạ),
Đế chế Byzantine (màu đỏ), với thủ đô là Constantinople và đế chế Kievan Rus (màu xanh mạ), với thủ đô Kiev vào khoảng giữa thế kỷ 11

Bản thân Olga là một người Varangian, hậu duệ của những người Viking đầu tiên định cư tại đế quốc Kievan Rus. Năm chưa đầy 15 tuổi, cô kết hôn với Đại hoàng tử Igor I, người cai trị Kievan Rus.

Trước đó một thế hệ, người tiền nhiệm và cha nuôi của Igor, Hoàng tử Oleg, đã củng cố quyền lực tại Kievan Rus và thành lập thủ đô mới là Kiev. Nhưng có một bộ tộc mà ông không thể kiểm soát hoàn toàn: tộc Drevlian. Với bản sắc và mục tiêu riêng, người Drevlian đứng về phía Kievan Rus trong các cuộc chiến với Đế chế Byzantine và tỏ lòng thành kính với Oleg. Nhưng khi ông qua đời vào năm 945, họ đã thay đổi thái độ.

Năm đó, khi Hoàng tử Igor đến thủ phủ của bộ tộc Drevlian (ngày nay là thành phố Korosten ở miền bắc Ukraine) để thu đồ cống nạp, họ đã sát hại ông một cách dã man. Theo biên niên sử Byzantine, “họ đã bẻ cong hai cây bạch dương xuống, buộc vào hai bên chân hoàng tử. Sau đó, họ thả cây thẳng trở lại, xé đôi hoàng tử".

Nhưng người Drevlian lại đánh giá quá thấp vợ của ông - Công chúa Olga. Vào thời điểm đó, Olga khoảng 20 tuổi và có một cậu con trai ba tuổi là Sviatoslav. Và vì con trai còn quá trẻ để cai trị đất nước, Olga nắm quyền nhiếp chính Kievan Rus.

 Đài tưởng niệm Công chúa Olga ở Quảng trường Michael, Kiev.
Đài tưởng niệm Công chúa Olga ở Quảng trường Michael, Kiev. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Ngay lập tức, Công chúa "Olga của Kiev" bắt đầu nỗ lực báo thù người Drevlian. Và chính kẻ thù đã cho bà một cơ hội.

Sau khi sát hại dã man Hoàng tử Igor, Hoàng tử Mal của Drevlian còn trơ tráo cầu hôn nữ nhiếp chính Kievan Rus. Lúc này Olga vẫn độc thân, Mal nghĩ rằng hắn ta có thể khiến lãnh thổ của Kievan Rus về dưới sự kiểm soát của Drevlian thông qua cuộc hôn nhân đó.

Khi cơ thể Igor còn chưa kịp lạnh, Mal đã cử hai mươi công tử đến Kiev để thuyết phục Olga kết hôn với hắn ta. Tất nhiên, Olga không có ý định kết hôn với người đã ra tay sát hại chồng mình. Mặc dù vậy, đề xuất của Drevlian đã cho cô một cơ hội. Thay vì từ chối đề nghị, Olga chào đón các sứ thần đến Kiev và hứa sẽ tôn vinh họ. Sau đó, cô ra lệnh cho binh lính đào một con mương.

Ngày hôm sau, các vị sứ giả mặc y phục đẹp đẽ đến nơi đón tiếp. Olga dẫn họ đến mép mương, và ra hiệu cho binh lính ném tất cả xuống mương, vùi đất chôn sống.

Công chúa Olga của Kiev vẫn chưa hài lòng. Sau khi chôn sống các sứ thần Drevlian, Olga lập tức suy tính cho hành động trả thù tiếp theo.

Trước khi tin tức về cuộc trả thù của Olga đến được với người Drevlian, công chúa đã viết thư cho Hoàng tử Mal. Olga yêu cầu Mal cử những chiến binh tốt nhất của mình đến Kiev để hộ tống cô về xứ Drevlian làm dâu.

 Olga trả thù bằng cách chôn sống và thiêu chết các sứ giả của kẻ thù
Olga trả thù bằng cách chôn sống và thiêu chết các sứ giả của kẻ thù - tranh minh hoạ trong biên niên sử thế kỷ 15. (Nguồn: Wikimedia Commons)

Cuộc báo thù liên tiếp và tàn khốc

Không hay biết gì về cơn thịnh nộ của Olga và sự thật là hai mươi sứ thần đã bị giết chết, Mal tiếp tục cử một nhóm thủ lĩnh đến hộ tống.

Khi các thủ lĩnh Drevlian đến, Olga đề nghị họ tắm rửa sạch sẽ sau cuộc hành trình. Và khi họ bước vào nhà tắm, nữ nhiếp chính cho chốt cửa, thiêu rụi toàn bộ tòa nhà. Không một ai còn sống sót.

Olga vẫn chưa hả giận, nhưng công chúa biết mình phải hành động thật nhanh. Trước khi Mal và người Drevlian nhận ra số phận đẫm máu của các sứ giả, Olga đã cùng với đội quân của mình di chuyển nhanh tới phía bắc thủ đô của Drevlian.

Khi đến nơi, bà tổ chức một bữa tiệc tang lễ cho chồng và mời các chiến binh Drevlian tham dự để tỏ thiện ý. Nhưng khi người Drevlian say khướt, những chiến binh trung thành của Olga đã rút kiếm ra tàn sát 5.000 người.

Lúc đó người Drevlian lo sợ Olga sẽ không dừng tay cho đến khi bà tiêu diệt sạch toàn bộ bộ tộc của họ. Những người sống sót quỳ gối cầu xin Olga chấp nhận cống nạp và quay trở lại Kiev.

Công chúa của Kievan Rus từ chối đề nghị, thay vào đó, bà cho bao vây thủ đô của người Drevlian trong hơn một năm trời cho đến khi họ cầu xin lòng thương xót.

Olga đưa ra một lời đề nghị hòa bình. “Hãy cho tôi ba con chim bồ câu và ba con chim sẻ từ mỗi ngôi nhà” - biên niên sử Đông Slav cổ xưa của Kievan Rus ghi lại. "Tôi không muốn áp đặt cống nạp nặng nề như chồng tôi, tôi chỉ yêu cầu một món quà nhỏ này từ các bạn”, Olga nói.

Tranh minh hoạ cuộc báo thù tiếp theo của Công chúa Olga.
Tranh minh hoạ cuộc báo thù tiếp theo của Công chúa Olga. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Người Drevlian lập tức đồng ý, ngạc nhiên về cái giá quá nhỏ phải trả để có được hòa bình. Nhưng Olga đã có một kế hoạch khác.

Biên niên sử Kievan Rus ghi lại: “Lúc này Olga đưa cho mỗi người lính trong quân đội của mình một con chim bồ câu hoặc một con chim sẻ, ra lệnh cho họ đính vào chân mỗi con chim một mẩu lưu huỳnh buộc bằng những mảnh vải nhỏ”.

Đêm đó, Olga bảo những người lính của mình đốt mẩu vải rồi thả những con chim ra. Đàn chim lập tức bay đến với bầy đàn của chúng bên trong những ngôi nhà lợp tranh của người Drevlian, đồng loạt châm ngòi cho những đám cháy khủng khiếp.

Theo biên niên sử Kievan Rus, "Không có một ngôi nhà nào không bị thiêu rụi và không thể dập tắt được ngọn lửa, bởi vì tất cả các ngôi nhà đều bốc cháy cùng lúc”.

“Người dân tìm cách chạy trốn khỏi thị trấn, và Olga ra lệnh cho binh lính bắt giữ họ. Bà chiếm được thành, phóng hoả và bắt các trưởng lão của Drevlian”. Công chúa Kiev tàn sát những người bị bắt, một số bị bán làm nô lệ và chỉ một số ít được phép ở lại tái thiết thị trấn.

Cuộc báo thù khủng khiếp của nữ nhiếp chính Kievan Rus cuối cùng cũng hoàn thành, bỏ lại bộ tộc Drevlian tan nát và huỷ diệt.

Được Công giáo và Chính thống giáo phong thánh

"Olga của Kiev" đã thiêu sống kẻ thù của mình, chôn sống các sứ giả và phá hủy cả một thị trấn. Vậy làm thế nào mà bà lại trở thành một vị thánh trong giáo hội Công giáo La Mã và Chính thống giáo Đông phương?

Vào thế kỷ thứ 10, khi Olga cai trị người Kievan Rus, họ đều là người ngoại giáo, gốc gác là người Viking ở Bắc Âu. Trong khi đó, đế chế Byzantine gần Kiev lại đang thực hiện sứ mệnh cải đạo những người hàng xóm của họ sang Cơ đốc giáo.

Sau khi Olga hoàn thành cuộc báo thù chống lại người Drevlian, Hoàng đế Constantine VII đã mời bà đến thăm Constantinople. Trên hành trình đó, Olga cải sang đạo Cơ đốc. Và khi trở lại Kiev, bà cũng kêu gọi thần dân của mình cải đạo.

Một bức tranh vào thế kỷ 19 mô tả Thánh Olga của Kiev.
Một bức tranh vào thế kỷ 19 mô tả Thánh Olga của Kiev. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Người Byzantine tuyên bố Olga “ngang hàng với các Tông đồ” vì sự cải đạo của bà. “Nàng tỏa sáng như mặt trăng vào ban đêm”, biên niên sử Byzantine ghi lại, “và nàng rạng rỡ giữa những kẻ ngoại đạo như một viên ngọc trong vũng lầy, vì dân chúng bị vấy bẩn và chưa được thanh tẩy tội lỗi bằng phép rửa tội”.

Hoàng đế Byzantine cũng đồng ý với điều đó. Khi Hoàng đế Constantine VII gặp Olga, ông đã ngỏ lời cầu hôn bà. Công chúa Kiev từ chối, nhưng lần này, bà làm điều đó mà không cần đổ máu.

Sau đó, vào năm 1547, Nhà thờ Chính thống Nga cũng chính thức phong Công chúa Kievan Rus là “Thánh Olga của Kiev”, vị thánh bảo trợ của góa phụ và những người cải đạo.

Cập nhật: 05/05/2022 Theo Báo Tin Tức
  • 1.863