Cuộc tấn công của côn trùng đã chấm dứt thời kì khủng long

  •   52
  • 1.724

Có thể vào thời điểm khủng long tuyệt chủng đã có những vụ va chạm thiên thạch hay phun trào núi lửa kinh hoàng xảy ra nhưng có một cuốn sách lại đưa ra tranh luận về những sinh vật hùng mạnh nhất trên thế giới đã bị “đánh gục” bởi những con côn trùng nhỏ bé, yếu ớt hơn nhiều và lại còn mang bệnh.

Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng khiến loài khủng long tuyệt chủng có thể là sự tiến hoá và gia tăng của côn trùng; đặc biệt là hiểm hoạ diễn ra tuy chậm chạp nhưng mạnh mẽ từ những kẻ mang mầm bệnh mới xuất hiện. Bằng chứng cho mối đe doạ này vẫn còn được giữ lại ở hầu hết những tiểu tiết giống vật thật - rất nhiều loài côn trùng nằm trong hổ phách được tạo ra vào thời điểm khủng long biến mất.

George Poinar Jr. – giáo sư ngành động vật học thuộc đại học bang Oregon, nói rằng: “Có rất nhiều vấn đề xung quanh giả thiết về sự tuyệt chủng của loài khủng long. Chúng được cho là giảm số lượng và biến mất vào khoảng hàng trăm nghìn thậm chí là hàng triệu năm trước đây. Khung thời gian đó không chỉ phù hợp với thời điểm những vụ va chạm thiên thạch xảy ra, mà sự cạnh tranh với côn trùng khiến bệnh tật nảy sinh cũng như sự phát triển lan rộng của cây có hoa trong một thời gian dài cũng khớp hoàn toàn với những gì chúng ta biết được về sự tuyệt chủng của khủng long”.

Cuốn sách “What Bugged the Dinosaurs? Insects, Disease and Death in the Cretaceous(tạm dịch là “Điều gì đã khiến loài khủng long khó chịu? Côn trùng, bệnh tật, hay tử thần của kỉ Phấn trắng”) do George và Roberta Poinar viết được phát hành trên tờ Priceton University Press đã trình bày chi tiết quan điểm nêu trên.

Trong cuốn sách, các tác giả tranh luận rằng chính côn trùng là lời giải đáp hợp lý và thuyết phục cho sự suy giảm số lượng chậm chạp và không thể tránh được dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long qua hàng ngàn năm. Giai đoạn này được biết đến với cái tên “Biên giới K-T”, chính là ranh giới giữa kỉ Phấn trắng và kỉ Thứ ba vào khoảng 65 triệu năm trước. Mặc dù có những bằng chứng về một số sự kiện thảm khốc xảy ra, như vụ va chạm thiên thạch hay núi lửa phun trào xảy ra vào thời điểm này; tuy nhiên chúng không thể đưa ra một lời giải thích trọn vẹn cho quá trình giảm số lượng dần dần của loài khủng long. Thậm chí vẫn có những loài tồn tại tới hàng ngàn năm sau “Biên giới K-T”.

Con ve được tìm thấy trong hổ phách Miến Điện (Ảnh: ScienceDaily)

Mặt khác, côn trùng và bệnh tật tuy chậm chạp hơn nhiều nhưng về có thể chính chúng đã chấm dứt thời đại của khủng long.

Poinar cho biết: “Chúng tôi không nghĩ rằng sự xuất hiện của côn trùng và sự lây lan rộng rãi của bệnh tật là những yêu tố duy nhất khiến loài khủng long tuyệt chủng. Những sự kiện biến đổi địa chất kinh hoàng khác cũng góp phần. Nhưng bản thân những sự kiện này không thể giải thích cho cả một quá trình kéo dài rất lâu, có lẽ cả hàng triệu năm. Trong khi côn trùng và bệnh tật lại mang lời giải đáp”.

Poinar và vợ ông, bà Roberta, đã giành rất nhiều thời gian nghiên cứu các dạng thực vật và động vật nằm trong hổ phách để tái tạo lại hệ sinh thái hàng triêụ năm trước. Họ đồng thời là tác giả của cuốn sách “The Amber Forest: A Reconstruction of a Vanish World” (tạm dịch là “Rừng hổ phách: Sự tái thiết một thế giới đã biến mất).

Hổ phách là một loại bán đá quý có công dụng như một loại chất ướp tự nhiên với dạng ban đầu giống nhựa cây. Nó có một khả năng độc nhất vô nhị: bao bọc những con vật và những vật nhỏ, duy trì chúng trong hình dạng ba chiều gần như hoàn hảo đến cả triệu năm sau. Hiện tượng này là vô giá trong các nghiên cứu khoa học và sinh thái. Cùng với những điều khác, nó hình thành nên giả thuyết khoa học cho bộ phim Công viên kỉ Jura, và giả thuyết “AND của khủng long” trong cơ thể loài muỗi.

"Trong suốt khoảng thời gian vào cuối kỉ Phấn trắng, mối quan hệ giữa côn trùng, vi khuẩn và sự truyền nhiễm bệnh tật mới chỉ bắt đầu. Chúng tôi đã tìm thấy trong ruột một loại côn trùng đốt kỉ Phấn trắng trong hổ phách một mầm bệnh gây ra bệnh leishmania - một căn bệnh ở người và bò sát cho đến ngày nay vẫn nguy hiểm. Trong cơ thể một loại côn trùng đốt khác chúng tôi phát hiện ra những yếu tố gây bệnh sốt rét vẫn ảnh hưởng đến chim và thằn lằn ngày nay".

“Trong phân khủng long, chúng tôi thấy có giun tròn, sán lá và thậm chí cả động vật nguyên sinh gây bệnh lỵ cũng như một số chứng đau bụng khác. Những kẻ kí sinh trong ruột đã lây lan nhờ những con côn trùng thường xuyên ghé thăm bãi rác".

Theo Poinar, vào cuối kỉ Phấn trắng trái đất được bao phủ bởi khí hậu khá ôn hoà, ấm áp cùng với hàng đàn côn trùng hút máu mang trùng muỗi cát (leishmania), trùng sốt rét, giun sán ký sinh, virus hại cây và các mầm bệnh khác gây ra những đại dịch triền miên hết đợt này đến đợt khác rồi dần dần làm sụt giảm số lượng khủng long. Những con muỗi, ve, chấy rận và bọ chét đã hành hạ và làm cho đàn khủng long trở nên yếu ớt.

“Những đàn khủng long sống tách biệt vốn đã nhỏ lại bị tấn công nhiều lần; giống như dịch sốt rét ở loài chim khi lan đến Hawaii khiến rất nhiều chim ong phải chết. Trải qua hàng triệu năm tiến hoá, động vật có vú, chim và bò sát đã hình thành một số khả năng miễn dịch với những căn bệnh này. Nhưng đối với cư dân của kỉ Phấn trắng, những bệnh dịch kể trên chỉ vừa mới xuất hiện và có sức tàn phá khủng khiếp. Động vật có xương sống không hề hoặc có rất ít miễn dịch tự nhiên để chống lại. Sự bùng nổ ồ ạt đã gây ra chết chóc và tuyệt chủng cục bộ”.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, côn trùng giữ vai trò quan trọng trong việc làm biến đổi đời sống thực vật tự nhiên trên trái đất - nguồn sống cơ bản của khủng long dù là loài ăn cỏ, loài ăn thịt hay loài ăn tạp đi chăng nữa. Khi số lượng khủng long giảm xuống, nguồn thức ăn truyền thống của chúng như dương xỉ, cây mè, cây bạch quả và các cây hạt trần khác bị cây có hoa thay thế nhờ được côn trùng giúp thụ phấn. Cây có hoa đã sinh sôi và chiếm lĩnh cả không gian. Côn trùng làm lây lan bệnh thực vật khiến những vùng cây cối rộng lớn bị tiêu diệt. Côn trùng cũng là những đối thủ cạnh tranh nguồn cung cấp thức ăn từ thực vật đáng gờm.

Trong cuốn sách các tác giả có viết: “Côn trùng đã gây ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ hệ sinh thái trên trái đất, hình thành tiến hoá và gây ra nạn tuyệt chủng cho cư dân đất liền. Loài to lớn nhất – loài khủng long- đã bị nhốt trong vòng đấu tranh sinh tử với côn trùng”.

Bệnh tật nảy sinh, mất nguồn cung cấp thức ăn truyền thống, và cạnh tranh thức ăn với côn trùng hại thực vật đã đẩy loài khủng long vào một tình trạng mong manh, yếu ớt mà chúng không thể vượt qua. Những mối lo âu đè nặng lên chúng cả ngàn năm đã kết thúc công việc của mình cùng với tác động của sự thay đổi môi trường, sao băng và những dòng dung nham tàn khốc.

Trà Mi (Theo Physorg)
  • 52
  • 1.724