Cuốn sách đầu tiên của loài người bằng những tấm đất sét nung

  •  
  • 4.639

Theo kết quả của những công trình khảo cổ từ đầu thế kỷ 19 đến nay, cái nôi của nền văn minh Tây Phương đã được xác nhận là vùng đồng bằng rộng lớn ở miền Cận Đông. Đất đai của vùng này rất phì nhiêu vì nó đã được tạo nên bởi đất bồi từ những con sông dài gồm có sông Nil (Ai Cập) sông Jordan (Palestine) sông Syria và nhất là hai dòng sông Euphrate và Tigris đều xuất phát từ Tiểu Á để cùng đổ vào vịnh Ba Tư. Nếu ta tô màu các miền đồng bằng phì nhiêu này trên bản đồ, ta sẽ thấy hiện lên một hình vòng cung trông giống như một cái lưỡi liềm chạy dài từ Ai Cập qua Palestine, Jerusalem, Babylon (tức Iraq và Koweit ngày nay) đến vịnh Ba tư. Các nhà khảo cổ gọi vùng ngày là Vùng Lưỡi Liềm Phì Nhiêu Cận Đông (The Fertile Cressent of the Near-East).

Để truy tìm các di vật của nền văn minh tại vùng này, rất nhiều cuộc đào xới qui mô của các nhà khoa học ngành khảo cổ thuộc nhiều quốc tịch đã được thực hiện trong hai thế kỷ qua. Tuy nhiên, phải đợi đến cuối thế kỷ 19, do những sự tình cờ, các nhà khảo cổ đã may mắn phát giác ra những tấm đất sét phơi khô (sun-baked clay tablets) có ghi những dấu hiệu kỳ lạ.


(Ảnh: Angelakaelin)

Cho tới nay, người ta đã thu lượm được hàng chục ngàn tấm đất sét phơi khô. Đa số các tấm đất sét này có cỡ trung bình khoảng 10cm x 20cm, một số ít có hình lăng trụ (prism) hoặc hình trục lăn (cyclinder). Sau nhiều chục năm nghiên cứu kiên nhẫn, các nhà khảo cổ trên khắp thế giới, nhất là tại các phân khoa khảo cổ thuộc các trường Đại Học Mỹ, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ... đã phát giác ra những tấm đất sét khô đó chính là những "cuốn sách" của dân tộc Sumerians, giống người đầu tiên định cư tại Babylon. Người Hy Lạp gọi Babylon là Mesopotamia, tức Lưỡng Hà Châu (Meso: In The Middle, Potamia: Rivers). Các nhà khảo cổ đã lập ra một môn học chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ của dân tộc này gọi là Sumerology. Những nỗ lực của các nhà khoa học khảo cổ đã đưa đến kết quả là hầu hết những "cuốn sách" của dân tộc Sumer đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Thoạt đầu, người Sumerians phát minh ra loại chữ tượng hình (pictographic characters) nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, loại chữ này được thay thế bằng hệ thống chữ viết ghi âm (phonetic system of writing) gồm có 18 dấu hiệu tượng trưng cho 18 âm căn bản. Các dấu hiệu này phần lớn đều có hình tam giác, góc nhọn, hình thoi nhọn đầu... trông giống như những cái nêm cối. Do đó các nhà khảo cổ gọi nó là Cuneiform, do căn ngữ La tinh "Cunei" có nghĩa là cái nêm (wedge).

Tới giữa thế kỷ 20, nhiều bộ tự điển và sách dạy văn phạm về loại chữ này đã được xuất bản khiến cho công cuộc dịch thuật cả một kho tàng vĩ đại những sách cổ của dân tộc Sumer trở nên dễ dàng hơn. Nhờ đó, cánh cửa bí mật của lịch sử văn minh Tây phương đã được mở rộng. Loại chữ viết đầu tiên của dân tộc Sumer được phỏng định đã xuất hiện vào năm 3150 trước công nguyên (TCN). Đây là cái mốc quan trọng đánh dấu lịch sử nhân loại. Tất cả những gì xảy ra trước năm 3150 TCN đều được coi là Thời Tiền Sử (prehistoric).

Vu Van Tan sưu tầm ([email protected])
  • 4.639