Đại dương ồn ào hơn vì ô nhiễm không khí

  •  
  • 2.264

Sự gia tăng lượng khí CO2 trong khí quyển khiến tình trạng axit hóa đại dương ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Ngoài những tác động tiêu cực đối với các hệ sinh thái biển, tình trạng axit hóa đại dương còn có thể khiến âm thanh đi được quãng đường dài hơn dưới đáy biển.

Sự thay đổi này tác động tới hoạt động liên lạc của động vật có vú dưới nước, đặc biệt là những loài giao tiếp bằng sóng âm, và nhiều ứng dụng khoa học, thương mại, quân sự.

"Sự liên quan giữa tình trạng axit hóa đại dương và khả năng hấp thu âm thanh của nước là rõ ràng. Sau khi tính toán, tôi nhận thấy tác động của nó lớn hơn rất nhiều so với suy nghĩ của phần lớn chúng ta", Peter Brewer, một chuyên gia của Viện nghiên cứu hải dương Monterey Bay, bang California, Mỹ, phát biểu. 

Tiếng ồn dưới đáy đại dương khiến việc liên lạc của nhiều loài động vật có vú trở nên khó khăn hơn.


Giới khoa học biết rằng các ion (phân tử mang điện tích) trong nước biển hấp thu sóng âm. Tuy nhiên, khả năng hấp thu của ion sẽ giảm khi tính axit của nước biển tăng lên.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu dự đoán rằng, tới giữa thế kỷ này, độ pH của nước trên bề mặt đại dường có thể giảm 0,3 so với thời kỳ trước cuộc cách mạng công nghiệp do sự tăng lên của khí carbon dioxide (CO2). Tới khi đó, theo tính toán của Peter Brewer, âm thanh có thể di chuyển xa hơn tới 70%.

Nhóm nghiên cứu của Peter nhấn mạnh rằng, lượng CO2 nhân tạo mà các đại dương hấp thu đã làm giảm khả năng hấp thu âm thanh tới 10% ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Thậm chí ở một số nơi thuộc Đại Tây Dương mức độ suy giảm lên tới 15%.

Theo nhóm nghiên cứu, tính toán của họ vẫn còn thua xa con số thực, vì họ chưa thể tính được lượng CO2 từ khí quyển.

"Do mức ồn dưới đáy đại dương tăng lên, những động vật giao tiếp bằng sóng âm không thể nhận thông điệp của đồng loại. Những loài không giao tiếp bằng sóng âm cũng gánh chịu nhiều hậu quả tai hại", Peter nói.

Theo VnExpress (Reuters)
  • 2.264