Ô nhiễm không khí khiến tuổi thọ trung bình của người dân ở phía bắc Trung Quốc ngày nay thấp hơn 5,5 năm so với tuổi thọ của người dân ở phía nam.
Michael Greenstone, một giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp thu thập dữ liệu về mức độ ô nhiễm không khí và tuổi thọ trung bình của người dân tại 90 thành phố ở Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1981 tới 2000. Họ nhận thấy mật độ hạt siêu nhỏ PM2,5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) trong không khí ở miền bắc cao hơn 55% so với miền nam, trong khi tuổi thọ trung bình của người dân ở miền bắc Trung Quốc thấp hơn 5,5 năm so với người dân ở miền nam, AP đưa tin.
Khẩu trang đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của dân thành thị Trung Quốc do không khí bẩn. (Ảnh: boston.com)
Nhóm nghiên cứu cho rằng tuổi thọ trung bình ở miền bắc thấp hơn do hoạt động đốt than đá ở đây diễn ra mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua, khiến nồng độ bụi PM2,5 tăng vọt.
Bụi PM2,5 là một mối lo đối với giới chuyên gia y tế, bởi chúng có thể chui sâu vào phổi và gây nên các bệnh về hô hấp.
Trong suốt 30 năm - từ 1950 tới 1980 - chính phủ Trung Quốc cung cấp than đá miễn phí cho các hộ gia đình và nhà máy ở phía bắc sông Hoài (sông lớn thứ ba tại Trung Quốc) và dãy núi Tần Lĩnh để người dân sưởi ấm. Bắc Kinh thực hiện chính sách này vì nhiệt độ ở khu vực phía bắc sông Hoài rơi xuống mức rất thấp trong mùa đông.
Chủ trương phát than đá miễn phí để lại tác động rất lâu dài, bởi ngày nay người ta vẫn thấy nhiều hệ thống lò sưởi bằng than đá ở miền bắc Trung Quốc. Than đá không còn là mặt hàng miễn phí, song chính phủ vẫn trợ giá. Vì thế tỷ lệ người dân dùng than đá để sưởi vẫn khá lớn.
Francesca Dominici, giáo sư bộ môn thống kê sinh học của trường Y tế công cộng Harvard tại Mỹ, cho rằng chính sách phát than đá miễn phí của Trung Quốc đã tạo ra một môi trường lý tưởng để các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu về tình trạng ô nhiễm không khí.
"Chúng tôi không thể tạo một môi trường như thế trong phòng thí nghiệm", bà nói.