Đằng sau việc Hoàng đế Trung Hoa tàn bạo dựng đô ở Bắc Kinh cách đây 600 năm

  •   1,52
  • 2.778

600 năm trước, Minh Thành Tổ Chu Đệ thông báo hoàn thành việc xây dựng kinh đô mới, gọi là Bắc Kinh, với điểm nhấn là Tử Cấm Thành công trình lịch sử còn tồn tại đến ngày nay.

Chỉ 2 năm sau khi đánh đuổi nhà Nguyên khỏi Trung Nguyên, Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương giao Yên Kinh (sau này gọi là Bắc Kinh) cho con trai thứ tư là Yên Vương Chu Đệ.

Tử Cấm Thành là công trình do hoàng đế Trung Hoa Minh Thành Tổ ra lệnh xây dựng cách đây 600 năm.
Tử Cấm Thành là công trình do hoàng đế Trung Hoa Minh Thành Tổ ra lệnh xây dựng cách đây 600 năm.

Năm 1402, Chu Đệ cướp ngôi cháu, trở thành hoàng đế thứ ba của nhà Minh ở Trung Hoa, xưng là Minh Thành Tổ. Đến năm 1420, Chu Đệ tuyên bố hoàn thành việc xây dựng kinh đô mới, gọi là Bắc Kinh.

Bắc Kinh là đất trấn hưng của thánh thượng, nằm ở vị trí chiến lược bao quát Trung Nguyên, đất đai màu mỡ, dễ dàng khống chế bốn bề, làm chủ thiên hạ, có thể giữ ngôi vương muôn đời, sử sách nhà Minh nêu lý do Minh Thành Tổ quyết định dời đô.

Toàn bộ các công trình do người Mông Cổ xây dựng đều bị phá hủy, thay bằng Tử Cấm Thành. Đầu năm 1421, ba cung điện trong Tử Cấm Thành bị sét đánh. Việc ba cung điện mới tinh bị thiêu rụi, bao gồm Điện Thái Hòa khi đó được xem như sự bất bình của thiên nhiên vì Minh Thành Tổ cướp ngôi của cháu.

Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi hoàng đế từ năm 1402-1424.
Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi hoàng đế từ năm 1402-1424.

Kể từ đó, hoàng đế nhà Minh luôn tìm cách xóa bỏ mọi dấu tích lịch sử về người cháu nối ngôi Chu Nguyên Chương, và thay bằng các tài liệu mô tả Tử Cấm Thành là công trình kì vĩ như thế nào.

Aurelia Campbell, giáo sư về lịch sử nghệ thuật châu Á tại Đại học Boston,  tác giả cuốn sách về hoàng đế Trung Quốc dựng nên kinh đô Bắc Kinh, nói rằng toàn bộ các cấu trúc được xây dựng thể hiện quyền tập trung về tay hoàng đế

Điện Thái Hòa, cung điện lớn nhất bên trong Tử Cấm Thành, mãi đến 20 năm sau mới được xây dựng lại.

Các nghệ nhân đã xây dựng lại cung điện theo đúng mong muốn của hoàng đế nhà Minh, sử dụng 380.000 cây gỗ Nam mộc tơ vàng khổng lồ.

Những cây gỗ quý có đường kính thân lên tới 1,3 mét này được khai thác từ các thung lũng hẻo lánh ở phía tây nam, rất  khó khăn mới đưa được đến Bắc Kinh.

“Những khối gỗ lớn được vận chuyển bằng cách đem thả trôi sông, cứ 80 khối gỗ được bó lại với nhau, do 10 thủy thủ và 40 công nhân đưa đến Bắc Kinh”, Campbell viết. “Chúng được thả trôi theo sông Dương Tử và đi qua kênh Đại Vận Hà đến Bắc Kinh”. Phải mất 2-5 năm để các bó gỗ đến được Bắc Kinh.

Cách người Trung Hoa xưa vận chuyển gỗ trên sông.
Cách người Trung Hoa xưa vận chuyển gỗ trên sông.

Minh Thành Tổ coi mình là người phát hiện ra những cây gỗ quý, phái quan triều đình đến Tứ Xuyên giám sát việc thu gom gỗ.

“Điều này thể hiện phần nào tính cách của Minh Thành Tổ. Ông ấy cũng giống như những nhà độc tài khác, rất tàn bạo và luôn coi mọi thứ phải xoay quanh mình”, giáo sư Campbell nói trên SCMP.

Bóng đen vẫn bao trùm Điện Thái Hòa. Công trình này lại bị thiêu rụi vào các năm 1557, 1597, bị san phẳng bởi trận động đất năm 1679.

Điện Thái Hòa còn tồn tại đến ngày nay được xây dựng từ thời hoàng đế Khang Hi của nhà Thanh.

“Về lối kiến trúc của cung điện, tôi không nghĩ Minh Thành Tổ có ẩn ý gì khi xây dựng. Ông ấy chỉ nhìn vào cung điện của cha mình ở Nam Kinh và yêu cầu công nhân xây cung điện tương tự”, giáo sư Campbell nói với SCMP.

Từng có quan niệm rằng Bắc Kinh được xây dựng thần tốc trong 4 năm, kể từ năm 1416. Trên thực tế, hoàng đế nhà Minh đã chiêu mộ các thợ thủ công từ khắp nơi vào năm 1406. Công việc cải tạo kênh đào, đưa ngũ cốc phục vụ lao động và một lượng gỗ khổng lồ đến Bắc Kinh mất nhiều thời gian nhất.

Aurelia Campbell, tác giả cuốn sách về hoàng đế Trung Hoa Minh Thành Tổ.
Aurelia Campbell, tác giả cuốn sách về hoàng đế Trung Hoa Minh Thành Tổ.

Tim Brook, giáo sư sử học tại Đại học British Columbia ở Canada, nói suốt cả đời Minh Thành Tổ luôn khiến mọi người phải tin rằng việc ông lên làm hoàng đế là do Thiên Mệnh.

“Ông ấy bắt ép các học giả thời bấy giờ phải phác họa mình là người thừa kế xứng đáng của người cha Chu Nguyên Chương”, Brook nói.

Dưới thời Minh Thành Tổ, nhà Minh đạt đến trình độ phát triển cực thịnh, đưa người sang tận Ấn Độ Dương, bình định các vùng đất nay thuộc Giang Tây, Quý Châu và Vân Nam.

Thừa hưởng kinh nghiệm từ người cha, Minh Thành Tổ đã 5 lần xuất quân Bắc phạt, tạm thời dẹp yên mối đe dọa từ người Mông Cổ.

“Hơn 10.000 quan lại và gia quyến của họ bị xử tử ở giai đoạn đầu khi Minh Thành Tổ lên nắm quyền. Bất cứ ai coi ông lên ngôi không chính thống đều bị giết, dù chỉ là họ nói ra một từ”, Brook nói.

Nhưng Brook thừa nhận quyết định dời đô của Minh Thành Tổ đến Bắc Kinh để lại ảnh hưởng đến tận ngày nay. “Đa số những công trình ở Tử Cấm Thành tồn tại suốt 600 năm qua và trở thành hình ảnh gắn liền với hoàng đế nhà Minh”, Brook nói.

Cập nhật: 23/07/2020 Theo Dân Việt
  • 1,52
  • 2.778