Hiện chỉ cần vài trăm nghìn đã có thẻ nhớ hàng "khủng" dung lượng 1 đến 2 GB để dùng. Tuy vậy, đôi khi chính thượng đế đã phải "điên đầu" với vấn nạn thẻ giả - thẻ lậu...
Thẻ nhớ chính hãng của Samsung. Ảnh: Textually. |
Theo tiết lộ của cửa hàng này, tràn ngập trên thị trường hiện nay là các loại thẻ giả, thẻ nhái có xuất xứ từ Trung Quốc. Có nhiều cách để phù phép cho những sản phẩm này thành hàng chính hãng. Phổ biến nhất là sử dụng những nhãn hiệu ít tên tuổi (hoặc không tên) từ hàng trăm nhà máy sản xuất trong nội địa Trung Quốc rồi thay tem hoặc in trực tiếp tem mới lên thẻ. Thậm chí còn có chuyện làm giả hoàn toàn những nhãn hiệu có tên tuổi với mức giá chỉ bằng phân nửa giá trị hàng chính hãng. Đánh vào tâm lý mua hàng rẻ và chỉ quan tâm đến yếu tố dung lượng bộ nhớ thẻ của người tiêu dùng, thẻ nhớ hàng giả, hàng nhái đang thao túng thị trường linh kiện.
Thẻ nhớ - vật bất ly thân của dân chơi đồ hi-tech
60% điện thoại di động sản xuất năm 2006 hỗ trợ thẻ nhớ. Ảnh: Amazon. |
Thị trường thẻ nhớ của Việt Nam vì thế mà cũng phát triển theo. Nổi tiếng trên thị trường là các tên tuổi như Kingston, Transcend, Kingmax, Sandisk. Ngoài ra, rất nhiều hãng chưa có tên tuổi hoặc ít nổi tiếng hơn đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, như JVJ, PQI, Ridata, Koracell, BigStore, PNY... cũng đang tìm cách "len chân" vào thị trường Việt Nam.
Thẻ nhớ dành cho điện thoại Sony Ericsson. Ảnh: Benspage. |
Trong số đó, được sử dụng nhiều nhất vẫn là thẻ MMC/RS-MMC cho điện thoại di động và Secure Digital (SD) cho máy ảnh số. Ngoài ra, một số loại đặc biệt như thẻ Compact Flash (CF) cho máy ảnh chuyên nghiệp, Memory Stick cho thiết bị số của Sony và xD Picture cho dòng máy ảnh Olympus.
Một điểm đáng chú ý là sự phát triển về tính năng, dung lượng của thẻ tỷ lệ nghịch với giá của nó. Nếu cách đây 3 năm, một thẻ 512 MB đã được xem là hàng khủng với giá cả lên tới tiền triệu, thì nay, chỉ cần một vài trăm nghìn là đã có thể nghĩ đến dung lượng 1 GB đến 2 GB. Giá phổ biến hiện nay là: 12 - 15 USD cho thẻ 256 MB; 15 - 18 USD cho thẻ 512 MB và 25 - 45 USD cho dung lượng 1 - 2 GB.
Kẽ hở lớn nhất là ham rẻ
Với lời quảng cáo và nhiều thủ thuật "nhập nhằng đánh lận con đen" hiện nay, đã có không ít "thượng đế" mua phải những loại thẻ nhớ giả, kém chất lượng. Tâm lý ham đồ rẻ của người tiêu dùng vẫn là kẻ hở lớn nhất để thẻ nhớ dởm xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường. Với những loại này, người dùng thường xuyên gặp phải hiện tượng cháy thẻ, "đơ" thẻ ngay khi đang sử dụng. Bên cạnh đó, còn không thể "cắt, dán", lưu trữ dữ liệu. Đặc biệt, những người ham dung lượng lớn còn gặp phải hiện tượng dung lượng ảo - nghĩa là bộ nhớ thực chỉ bằng một nửa so với ghi ngoài nhãn mác.
Phân biệt thật – giả | ||
Thẻ nhớ | Chính hãng | Không chính hãng |
Transcend | Có số serial trên thẻ đầy đủ và trùng với số serial trên tem dán ngoài vỏ hộp nhựa. Có thể kiểm tra trực tiếp số đăng ký này tại trang web của Transcend (transcendusa.com). | Không có số serial hoặc có nhưng không thể kiểm tra được con số này từ trang web của hãng. |
Sandisk Ultra II | Sản phẩm làm bằng nhựa dày, cầm chắc chắn. Số serial màu trắng, phía dưới bắt đầu bằng BEO0603xxx và dòng chữ Made in China hoặc Made in USA. | Không có số serial và xuất xứ nơi sản xuất. Thẻ làm bằng nhựa mỏng, qua thời gian sử dụng, hai miếng nhựa bảo vệ vi mạch và chip nhớ Flash bị tách rời nhau. |
Kingmax | Màu sắc nét, lớp đồng tiếp xúc sáng đều. | Màu sắc kém, in nhòe, lớp đồng tiếp xúc mờ, sáng không đều. |
Kingston | Có tem in trên thẻ. Nhìn dưới ánh sáng mặt trời, tem có ánh cầu vồng như phản quang. | Không có serial màu xanh in chìm bằng laze, hoặc nếu có thì in bằng mực thường, không ghi xuất xứ (China, Taiwan hay Japan). |