Được xem là một trong những nhiên liệu sinh học tối ưu, giúp hạn chế những ảnh hưởng của hiện tượng Trái đất ấm lên, dầu cọ lại đang là nguyên nhân dẫn tới thực trạng phá rừng. Các khu rừng từng ngày "ngã xuống" để nhường chỗ cho những đồn điền trồng cọ trích lấy dầu sản xuất nhiên liệu giá rẻ. Các nhà bảo vệ môi trường ước tính trong vòng 15 năm, 98% diện tích rừng nhiệt đới ở Indonesia và Malaysia sẽ biến mất cùng với một số loài sinh vật hoang dã quý hiếm.
Trong khu rừng rộng 6 triệu ha trên đảo Borneo (Indonesia), khoảng 250.000 ha được chính quyền dành để trồng dầu cọ. Nhưng theo Willie Smits, nhà sáng lập dịch vụ bản đồ vệ tinh SarVision thống kê tỷ lệ rừng sụt giảm. Indonesia đặt mục tiêu tăng diện tích trồng cọ 6,5 triệu ha hiện nay lên gấp đôi trong 5-8 năm tới và gấp ba vào năm 2020. Ước tính mỗi năm, quốc gia vạn đảo này đốn 2,8 triệu ha rừng để trồng cọ.
Cho đến nay, dầu cọ – với 83% sản xuất ở Indonesia và Malaysia – chủ yếu được dùng làm thực phẩm. Tuy nhiên, việc Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu cắt giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020, trong đó yêu cầu 10% xe cộ sử dụng nhiêu liệu sinh học, khiến nhu cầu dầu cọ tăng cao. Nhiều nước EU đã tăng cường trợ cấp sản xuất nguồn năng lượng tái sinh này và kể từ năm 2002, lượng dầu cọ nhập khẩu vào khối này đã tăng 65%.
Ươm giống cây cọ ở Trung Kalimantan, Indonesia. (Ảnh: WWF) |
Dầu cọ kết hợp với diesel tạo ra nhiên liệu sinh học có lợi cho môi trường do dầu cọ sinh ra các hỗn hợp hữu cơ mà khi cháy trong động cơ, không làm tăng thêm nồng độ carbon dioxide (CO2). CO2 được cây cọ hấp thu trở lại trong chu kỳ sinh trưởng, qua đó giúp cân bằng lượng khí thoát ra khi cháy. Dầu cọ còn hấp dẫn ở chỗ nguồn cung phong phú và giá rẻ (khoảng 550 USD/tấn), trong khi quá trình sản xuất không cần phải cải tiến nhiều công nghệ. Năm ngoái, sản lượng dầu cọ trên thế giới tăng 6,6% và dự báo năm nay sẽ tăng 5,5% lên 37 triệu tấn. Giá dầu cọ năm qua đã tăng 35% và hiện đang tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, càng đi sâu nghiên cứu loại nhiên liệu được cho là làm lợi cho hệ sinh thái này, các nhà khoa học nhận ra nhiều tác động bất lợi. Các nhà nghiên cứu của tổ chức Wetland International (Hà Lan) phát hiện 50% diện tích các đồn điền dầu cọ mới được thu hoạch đã giải phóng một lượng lớn khí CO2 do đất than bùn cháy và mưa. Chẳng hạn như lớp than bùn ẩm ở tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo đóng vai trò như “miếng xốp” hữu cơ khổng lồ hút rất nhiều khí carbon. Việc rút nước tưới cho các đồn điền hoặc làm đường để chuyển gỗ khiến lớp bùn này khô, giải phóng khí carbon tích tụ trong đất. Riêng Indonesia, than bùn đã “nhả” 600 triệu tấn CO2 mỗi năm từ các vùng đầm lầy.
Tệ hại hơn, CO2 từ các đám cháy rừng lớn đã hình thành lớp khói mù bao trùm phần lớn khu vực Đông Nam Á. Ước tính các vụ cháy rừng ở Indonesia sản sinh 1.400 tấn CO2 mỗi năm. Indonesia trở thành nước tạo ra CO2 lớn thứ 3 thế giới, nếu tính cả 2 nguyên nhân trên. Các nhà bảo vệ môi trường lo ngại rằng việc độc canh cây cọ không thể hỗ trợ sự đa dạng đời sống hoang dã, và môi trường sẽ rơi vào những thảm họa. Trong khi đó, người dân địa phương sống nhờ dầu cọ có thể “điêu đứng” nếu sản phẩm này không còn được ưa chuộng.
N.MINH