Sản phẩm dầu DO chế biến từ nhựa thải của doanh nghiệp Hoàng Đại, Hải Phòng, đang thu hút sự chú ý của dư luận do tiềm năng ứng dụng cao. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của Viện Hoá học Công nghiệp cho thấy sản phẩm chưa đạt đủ chỉ tiêu để làm nhiên liệu cho xe cộ. Trước khi trở thành dầu, rác thải gồm nhựa phế thải, cao su thừa của giày da, qua khâu sàng lọc, làm sạch, rồi qua một hệ thống dây chuyền chưng cất ở nhiệt độ cao với nhiều phụ gia khác nhau. Hệ thống hoạt động tuân theo những công thức hoá học, được viết ra từ phòng thí nghiệm của 2 cha con anh Vũ Đức Hoà, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đại. Dây chuyền sản xuất có thể xử lý 5 tấn/ngày, một giờ có thể cho ra 200 lít dầu. Thứ chất lỏng màu đen này sản xuất ra đến đâu, đã có những chiếc xe téc đợi sẵn chở đi vì chúng có tác dụng tương tự như dầu diezel và dầu FO, có thể dùng làm nhiên liệu chạy ôtô, tàu thuyền, máy nổ hay đốt lò.
Sáng kiến của doanh nghiệp Hoàng Đại đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, khi mà hiện tại giá xăng ngày càng tăng và ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa, nilon ngày càng nặng nề. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nghi ngờ chất lượng, và khả năng gây tác hại đến môi trường của loại dầu này. Trước tình hình đó, Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng đã kiểm tra cơ sở và yêu cầu đơn vị gửi mẫu đi xét nghiệm tại Hà Nội để đánh giá chất lượng và tác động của nó tới môi trường.
Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm phụ gia dầu mỏ, Viện Hoá học công nghiệp, công bố hôm 16/9, cho thấy dầu DO của doanh nghiệp Hoàng Đại chưa đạt tiêu chuẩn làm dầu đốt. "Có 3 chỉ số rất quan trọng trong số 11 chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Cặn carbon lớn gấp 15 lần mức cho phép (hàm lượng 5,3% so với mức tối đa trong tiêu chuẩn là 0,3%); lưu huỳnh gấp rưỡi (0,83% so với tiêu chuẩn 0,5%), hàm lượng nước và cặn lớn gấp 2,5 lần", ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Trung tâm phụ gia dầu mỏ, nói.
Do loại dầu này có nhiều tạp chất, nên khi được sử dụng để chạy ôtô, xe máy, cặn carbon sẽ đóng trong buồng đốt, khiến cho động cơ chóng hỏng, đồng thời khói xả ra gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hàm lượng lưu huỳnh cao vừa gây hại động cơ, vừa làm cho dầu bôi trơn chóng biến chất, giảm tuổi thọ. Ông Bắc giải thích những yếu tố trên khiến cho sản phẩm chỉ có thể sử dụng để nổ máy, chứ chưa thể dùng ngay làm nhiên liệu lâu dài được. Muốn có dầu diezel sạch, doanh nghiệp cần cải tiến công nghệ để tách nước, cặn và trung hoà axit dư.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Phó phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng, cho rằng 3 chỉ tiêu chưa đạt nói trên chỉ ảnh hưởng phần lớn đến thiết bị, máy móc, chứ không tác động nhiều tới sức khoẻ con người, vì vậy cần phải khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm. Ông cho biết Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp Hoàng Đại cải tiến quy trình sản xuất, giảm thiểu tác hại tới môi trường, đồng thời đưa sản phẩm đi kiểm định ở các cấp cao hơn.
Trong khi đó, ông Đặng Dương Bình, Trưởng phòng quản lý Môi trường, Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội, cho biết để loại "dầu DO" nói trên có thể được lưu hành trên thị trường, sản phẩm nhất thiết phải qua kiểm định của Trung tâm tiêu chuẩn đo lường quốc gia. Mọi kết quả xét nghiệm khác chỉ mang tính tham khảo. Một khi chưa được cấp phép thì sản phẩm chưa nên được sử dụng rộng rãi.
M. Thi - Thuận An