Trạm vũ trụ 8,5 tấn của Trung Quốc có thể đâm xuống Trái đất trong tháng 3

  •  
  • 1.105

Các chuyên gia xác định những khu vực trạm Thiên Cung 1 nặng 8,5 tấn có nhiều khả năng rơi xuống là châu Âu, Mỹ, Australia và New Zealand

Thiên Cung 1, trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc được dự đoán sẽ rơi xuống Trái đất trong vòng vài tuần nữa, nhưng các nhà khoa học không thể biết chắc nơi con tàu sẽ đâm trúng, Guardian hôm qua đưa tin. Tập đoàn Hàng không vũ trụ ở Mỹ ước tính trạm Thiên Cung 1 sẽ rơi trở lại khí quyển trong tuần đầu tháng 4. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) suy đoán trạm rơi trong thời gian từ ngày 24/3 đến 19/4.

Năm 2016, Trung Quốc xác nhận mất khả năng kiểm soát trạm Thiên Cung 1 và không thể điều khiển quá trình rơi trở lại Trái Đất của trạm. Báo cáo từ Aerospace, tổ chức nghiên cứu chuyên tư vấn về bay vũ trụ cho chính phủ và các hãng tư nhân, cho biết "có khả năng một lượng mảnh vỡ nhỏ" từ tàu còn lưu lại sau quá trình rơi và đâm xuống Trái Đất. "Nếu điều này xảy ra, bất kỳ mảnh vỡ nào sót lại sẽ rơi trong khu vực rộng vài trăm kilomet", Aerospace viết.

Trạm Thiên Cung 1 đang rơi ngày càng nhanh.
Trạm Thiên Cung 1 đang rơi ngày càng nhanh. (Ảnh: Guardian).

Aerospace cảnh báo trạm vũ trụ có thể chứa nhiên liệu ăn mòn rất độc hại mang tên hydrazine. Báo cáo của Aerospace đưa ra bản đồ dự đoán vị trí rơi của trạm Thiên Cung 1 trong khoảng 43° vĩ bắc và 43° vĩ nam. Các khu vực có khả năng rơi cao hơn là bắc Trung Quốc, Trung Đông, miền trung Italy, bắc Tây Ban Nha và bắc Mỹ, New Zealand, Tasmania, một số nơi ở Nam Mỹ và phía nam châu Phi.

Tuy nhiên, Aerospace nhấn mạnh nguy cơ mảnh vỡ rơi trúng người dân ở các quốc gia này rất nhỏ. "Khi cân nhắc trường hợp xấu nhất, khả năng một người bị mảnh vỡ của trạm Thiên Cung 1 rơi trúng nhỏ hơn khoảng một phần triệu so với khả năng trúng xổ số Powerball. Trong lịch sử bay vũ trụ, chưa có ai bị thương do mảnh vỡ vũ trụ rơi trở lại khí quyển. Duy nhất một người từng được ghi nhận bị mảnh vỡ vũ trụ rơi trúng nhưng may mắn là cô ấy không bị thương", Aerospace cho biết.

Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn ở Đại học Harvard, Mỹ, cho biết những mảnh vỡ từ một tên lửa kích thước tương đương rơi trở lại khí quyển và đáp xuống Peru hồi tháng 1. "Cứ hai năm, điều tương tự lại xảy ra, nhưng trạm Thiên Cung 1 khá lớn và đặc, do đó chúng ta cần tiếp tục để mắt tới nó", Guardian dẫn lời McDowell.

Theo McDowell, tốc độ rơi của trạm Thiên Cung 1 đã tăng lên trong những tháng gần đây và hiện nay đang hạ thấp khoảng 6 km một tuần, so với 1,5km vào tháng 10 năm ngoái. Rất khó để dự đoán khi nào trạm sẽ rơi xuống bởi tốc độ của nó bị ảnh hưởng bởi thời tiết thay đổi thường xuyên trong vũ trụ.

Trạm Thiên Cung 1 được phóng vào năm 2011. Tàu được sử dụng cho cả phi vụ có người lái và không người lái. Liu Yang, nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc, từng ghé thăm trạm năm 2012.

Năm 1991, trạm vũ trụ Salyut 7 nặng 20 tấn của Liên bang Xô Viết đâm xuống Trái Đất trong khi vẫn đang ghép nối với một trạm vũ trụ 20 tấn khác mang tên Cosmos 1696. Cả hai trạm vỡ trong khí quyển phía trên Argentina, khiến những mảnh vỡ rơi rải rác ở thị trấn Capitán Bermúdez. Trạm vũ trụ 77 tấn Skylab của NASA lao xuống Trái Đất theo lộ trình gần như hoàn toàn mất kiểm soát năm 1979, một số mảnh vỡ lớn đáp xuống ngoại ô thành phố Perth ở Western Australia, Australia.

Cập nhật: 07/03/2018 Theo VNE
  • 1.105