Đây là lý do vì sao tai phải nghe rõ hơn tai trái

  •  
  • 2.659

Nếu thực sự muốn nghe điều gì đó một cách chính xác, bạn hãy thử nghiêng đầu để hướng âm thanh đi thẳng vào tai phải. Vì sao lại như vậy?

Theo một nghiên cứu mới, khi bộ não đang căng thẳng vì cùng một lúc phải tiếp nhận một lượng lớn thông tin, con người sẽ phụ thuộc vào tai phải để lắng nghe, vì chúng xử lý và giữ lại thông tin âm thanh tốt hơn tai trái.

Đây được gọi là “lợi thế của tai phải” và trong quá khứ đã có một số nghiên cứu về nó. Nghiên cứu đầu tiên xuất hiện vào năm 1967, cho thấy có sự kết nối của tai phải với bán cầu não trái ở những người có vấn đề về thần kinh. Quá trình này khiến tai phải chiếm ưu thế trong việc xử lý ngôn ngữ.

Năm 1973, các nhà nghiên cứu đã công bố một bài báo và họ cho biết rằng: lợi thế tai phải hiện hữu ở những đứa trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 13, và nó chỉ bắt đầu xuất hiện khi những đứa trẻ lên 5 tuổi. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 1974 cũng đã chỉ ra: khi người ta gặp khó khăn trong việc nghe âm thanh, lợi thế tai phải sẽ tăng lên đáng kể.

Các bài kiểm tra về kỹ năng nghe được sử dụng để chẩn đoán những rối loạn về xử lý thính giác, hay tìm hiểu những rối loạn có thể gây ảo giác cho bệnh nhân như tâm thần phân liệt.

Trong các thử nghiệm, người tham gia được nghe hai dòng thông tin âm thanh khác nhau bằng tai nghe, mỗi tai sẽ tiếp nhận một kiểu thông tin. Những dòng âm thanh phổ biến là cuộc trò chuyện, hoặc một giọng người đang đọc một câu hoặc một chuỗi các số. Những tình nguyện viên được yêu cầu tập trung nghe thông tin chỉ ở một bên tai (tách biệt) hoặc ở cả hai tai (tích hợp), rồi lặp lại những gì đã được nghe.

Con người nghe âm thanh tốt hơn bằng tai phải.
Con người nghe âm thanh tốt hơn bằng tai phải. (Ảnh: Shutterstock).

Trong nghiên cứu mới, các tác giả muốn xác định một điều: liệu lợi thế tai phải có phát huy tác dụng với những tiếng ồn ở xung quanh cũng như sự gián đoạn vì âm thanh mà con người thường xuyên gặp phải trong cuộc sống hằng ngày không?

Ông Danielle Sacchinelli - tác giả chính của nghiên cứu, thuộc Trường Đại học Auburn ở Alabama, nói: "Việc biết nhiều về cách con người lắng nghe âm thanh từ môi trường xung quanh và những nỗ lực để lắng nghe chúng - thật sự rất có ích. Chúng sẽ giúp khoa học tạo ra những công cụ chẩn đoán, điều chỉnh thính giác tốt hơn".

Mặc dù lợi thế tai phải vẫn tồn tại khi con người đến tuổi trưởng thành, nhưng các tác giả muốn xem lợi thế này đã được duy trì như thế nào. Họ muốn biết quá trình phát triển của lợi thế tai phải, vì cách lắng nghe âm thanh của người lớn và trẻ con không giống nhau. Chúng ta nghe âm thanh hơi khác nhau ở mỗi tai, và chúng được kết hợp trong hệ thống thính giác. Tuy nhiên, hệ thống thính giác của trẻ em lại gặp khó khăn với nhiệm vụ phức tạp này, do đó chúng dựa vào tai phải để nghe nhiều hơn.

Nhóm nghiên cứu cho biết, hệ thống thính giác của người lớn có khả năng xử lý và kết hợp các tín hiệu âm thanh tốt hơn, vì vậy lợi thế tai phải của họ bị suy giảm. Nhà nghiên cứu Aurora Weaver nói: "Khi chúng ta già đi, chúng ta có khả năng kiểm soát sự chú ý trong quá trình xử lý thông tin hiệu quả hơn. Đây là kết quả từ sự trưởng thành và kinh nghiệm của mỗi người”.

Các nhà nghiên cứu đã mời 41 người lớn trong độ tuổi từ 19 đến 28 tham gia vào thí nghiệm. Họ được yêu cầu thực hiện một số bài kiểm tra lắng nghe tách biệt và tích hợp. Với mỗi lần kiểm tra tiếp theo, số lượng các mục trong danh sách được đọc qua tai nghe tăng lên một.

Sau đó, những nhà nghiên cứu kiểm tra và không thấy sự khác biệt trong việc tiếp nhận thông tin ở tai trái và tai phải của người tham gia. Kết quả này được áp dụng khi số lượng các mục được nghe nằm dưới dung lượng bộ nhớ của con người.

Tuy nhiên, khi số lượng các mục được nghe vượt quá khả năng dung nạp của bộ nhớ, tình nguyện viên lại có khả năng nhớ những thứ được nghe ở tai phải nhiều hơn tai trái. Trung bình, sự chênh lệch này là 8%, nhưng ở một số người sự khác biệt lên đến 40%.

Nhà nghiên cứu Weaver cho biết: "Những nghiên cứu thông thường cho thấy lợi thế tai phải bắt đầu suy giảm khi con người bước vào độ tuổi 13, nhưng kết quả của chúng tôi cho thấy điều này liên quan đến tính chất và số lượng của thông tin được nghe. Tất nhiên các kỹ năng nhận thức có thể bị suy giảm do lão hóa, bệnh tật hoặc chấn thương, vì vậy chúng ta cần hiểu rõ hơn về tác động của nhu cầu nhận thức đến việc lắng nghe".

Nghiên cứu đã được trình bày tại cuộc họp lần thứ 174 của Hiệp hội Âm thanh Hoa Kỳ.

Cập nhật: 21/12/2017 Theo khampha
  • 2.659