Đây là những gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn mì gói suốt cả tuần

  •   54
  • 5.239

Mì ăn liền từ lâu đã trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người nhờ sự tiện lợi, giá cả phải chăng và thời gian chuẩn bị nhanh chóng. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy, loại thực phẩm này lại ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe nếu sử dụng thường xuyên.

Mì gói đã nuôi sống tôi qua quãng đời sinh viên. Nói vậy hơi quá, nhưng để nhấn mạnh một sự thật rằng mì ăn liền rất rẻ, dễ ăn và tiện dụng. Bạn thậm chí có thể mua mì cốc, trong đó có cả một chiếc dĩa nhựa rồi, chỉ cần đổ nước vào và ăn. Không cần rửa bát, rửa đĩa hay đũa. Ăn xong chỉ cần bỏ cả vào sọt rác… thế là rảnh cả buổi tối để chơi game (hoặc bạn có thể học bài).

Trong mọi phòng ký túc xá thời đó, hết nước hoặc hết mì là phải gọi liền. Bởi sinh viên không được phép nấu ăn trong phòng, mì gói là lựa chọn duy nhất vào ban đêm khi các hàng quán đã đóng cửa, hoặc cả những ngày cuối tháng khi chưa có lương làm thêm và bố mẹ thì chưa gửi tiền kịp.

Câu hỏi đặt ra là liệu mì gói có tốt hay không? Và điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ăn mì liên tục – 6 hoặc cả 7 ngày trong tuần?

Mì gói có rất ít chất dinh dưỡng vi lượng
Mì gói có rất ít chất dinh dưỡng vi lượng.

Trên thực tế, tất cả các loại mì ăn liền đều được cấu thành từ 2 thành phần chính: carbohydrate và muối. Trong chúng có rất ít chất xơ hoặc protein, hai loại chất dinh dưỡng giúp bạn cảm thấy no lâu.

Vậy nghịch lý là, bạn ăn mì tôm để đỡ đói, nhưng cuối cùng, mì tôm không phải là thứ có thể giúp bạn no lâu. Sau vài tiếng ăn mì, bạn sẽ lại đói rất nhanh.

Abbey Sharp, một chuyên gia dinh dưỡng tại Toronto, Mỹ, tác giả cuốn sổ tay nấu ăn "Mindful Glow: Radiant Recipes for Being the Healthiest, Happiest You" cho biết: Mì gói có rất ít chất dinh dưỡng vi lượng, nghĩa là nó sẽ không bổ sung vitamin, khoáng chất hay chất chống oxy hóa cho bạn.

Điều này cũng đúng với loại mì nấu, loại bạn không thể chỉ đổ nước sôi mà cần nấu lên để ăn.

Trở lại với carbohydrate và muối. Trong trường hợp bạn đói bụng và muốn mua một cốc mì để ăn, tùy thuộc vào nhà sản xuất, mỗi cốc hoặc gói mì của bạn sẽ chứa khoảng 1.150 mg muối hoặc hơn. "Đó là một lượng muối cực kỳ lớn", Jim White, một chuyên gia dinh dưỡng khác tại Mỹ cho biết.

Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống mà chính phủ Mỹ khuyến cáo, một người trưởng thành không nên ăn quá 2.300mg muối mỗi ngày. Như vậy, chỉ với 2 cốc mì gói, bạn sẽ vượt quá giới hạn cho phép này, chưa kể sinh viên đại học thường có thói quen ăn vặt nhiều loại thực phẩm khác cũng chứa nhiều muối như khoai tây chiên, xiên, xúc xích…

Tiêu thụ quá nhiều muối và trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp và đột quỵ. Nhưng trong ngắn hạn, nó sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể tích trữ nước. Và trữ nước đồng nghĩa với việc tăng cân, người bạn hoặc cả mặt bạn sẽ có xu hướng to bè ra như phù nề. Bạn cũng sẽ hay cảm thấy đầy hơi, chướng bụng, chậm chạp và uể oải vì thế.

Theo nghiên cứu của Đại học North Carolina, Hoa Kỳ, dư thừa muối còn có thể gây đau đầu và cả táo bón. Nó xảy ra sau khi cơ thể bị mất nước – ăn nhiều mì nhưng không bù đủ nước – đặc biệt là kết hợp với các loại đồ uống như bia, nước tăng lực hoặc rượu. Mất nước sẽ khiến chức năng nhận thức của sinh viên suy giảm, thể chất cũng đi xuống.

Ăn mì gói nhiều chắc chắn sẽ không tốt cho trí nhớ và sự tập trung của bạn, những điều mà một sinh viên rất cần trước kì thi hoặc ngày kiểm tra.

Mì gói là thực phẩm ít dinh dưỡng nên bạn hạn chế ăn, càng ít càng tốt.
Mì gói là thực phẩm ít dinh dưỡng nên bạn hạn chế ăn, càng ít càng tốt.

Theo Healthline, hầu hết các sản phẩm mì gói đều được làm từ bột mì, dầu thực vật và hương liệu, đã trải qua quá trình hấp, sấy khô hoặc chiên sẵn. Mặc dù một số nhà sản xuất có bổ sung thêm một vài vitamin và khoáng chất, nhưng mì ăn liền vẫn thiếu nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, chất xơ, vitamin A, C, B12, canxi, magie và kali. Đáng chú ý, loại thực phẩm này cũng không chứa các chất chống oxy hóa và hóa chất thực vật có lợi cho sức khỏe như trong thực phẩm tươi sống.

Còn gì khác nữa? White cho biết mì gói cũng là một loại thực phẩm chứa nhiều MSG và TBHQ. MSG, hay còn gọi là mì chính, là một axit amin không thiết yếu, nghĩa là cơ thể chúng ta không cần đến nó. Thế nhưng, mì chính lại là một chất tạo vị không thể thiếu cho mì gói, nếu các nhà sản xuất không cho vào đó mì chính, mì gói ăn sẽ chẳng ra gì.

Mặc dù các cơ quan y tế ngày nay đều cho rằng mì chính trong thực phẩm là an toàn, nhưng một số người mắc "hội chứng nhà hàng Trung Quốc" vẫn sẽ thấy buồn nôn, đau đầu hoặc xây xẩm mặt mày khi ăn mì chính.

TBHQ, viết tắt của hợp chất có tên là tert-Butylhydroquinone có trong mì gói, cũng được cho là an toàn. Nhưng tiêu thụ liều cao TBHQ có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe bao gồm cả gây độc cho não.

Tiếp tục trở lại với một thành phần chính của mì gói: carbohydrate. Sharp cho biết loại carbohydrate trong mì gói là carb tinh chế, nghĩa là toàn bộ chất xơ trong đó đã bị lọc bỏ. Nghiên cứu cho biết, tiêu thụ nhiều carb tinh chế sẽ dẫn đến tăng cân và bệnh tiểu đường type 2.

Nếu có điều gì có thể cứu vãn sự tồn tại của mì gói, thì đó là việc nó chứa 2 vi chất dinh dưỡng là riboflavin và thiamine, mặc dù ở lượng rất rất nhỏ. Mì gói cũng chứa ít đường.

Nhưng với hàm lượng muối, carbohydrate cao, các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo rằng bạn không nên ăn mì gói thường xuyên. Chỉ cần ăn 1 gói mì mỗi ngày, bạn đã có thể tăng cân, cảm thấy khô miệng, thiếu nước, hay mất tập trung và uể oải hơn trạng thái dinh dưỡng cân bằng đáng có.

Vì vậy, điểm mấu chốt ở đây là bạn nên nhận thức được lượng muối trong mì gói, để ý các hiệu ứng nhận thức mà nó có thể gây ra cho bạn vào ngày hôm sau. "Mọi thức ăn đều phải ăn trong chừng mực", White nói.

Đối với một loại thực phẩm kém dinh dưỡng như mì gói, bạn nên hạn chế ăn càng ít càng tốt.

Cập nhật: 14/05/2024 Theo Trí Thức Trẻ/vnreview
  • 54
  • 5.239