Để các thiết bị số không bị quá tải

  •  
  • 180

Nhà bạn đang sở hữu những thiết bị kĩ thuật số như máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim kĩ thuật số, các sản phẩm nghe nhìn… thông thường dịp Tết về cũng chính là lúc nhóm các sản phẩm này hoạt động hết công suất và đôi khi bị quá tải mà ít được chủ nhà quan tâm.

Đa phần nhóm các sản phẩm này chỉ được chủ nhân dùng vào các dịp trong nhà có các sự kiện đặc biệt như sinh nhật hay lễ tết, sau đó được cất kỹ cho đến cả năm mới dùng trở lại. Nhiều chủ nhân cho rằng, chỉ dùng một hai lần hoặc vài lần trong năm, máy chắc không bị hề hấn gì. Nhưng theo các chuyên gia, kiểu sử dụng như vậy các thiết bị của bạn rất hay gặp sự cố và hư hỏng đáng tiếc như hỏng hóc về phần cứng, hao pin, pin chai,… Nguy cơ bị hỏng như trên cũng có thể tránh được nếu người sử dụng dành chút thời gian để “chăm sóc” chiếc máy của mình, ít nhất theo những hướng dẫn sau đây:

“Làm nóng” cho máy

Máy ảnh là một trong những thiết bị sử dụng rất phổ biến trong những ngày Tết. Các máy ảnh kỹ thuật số được dùng nhiều hơn vì ngày càng rẻ và dễ dùng đến nỗi một cậu bé lên 4 cũng có thể bấm chụp được. Vì những điều này, một chiếc máy ảnh kỹ thuật số bị bắt phải làm việc nhiều hơn so với một máy ảnh chụp phim vốn bị khống chế vì hơi khó dùng và số lượng phim có hạn. Gần 90% số máy ảnh được thống kê trong tình trạng làm việc quá tải trong dịp lễ tết.

Việc sử dụng quá nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn, trong khi trước đó không hoạt động thường xuyên dẫn đến các hỏng hóc về phần cứng như bộ điều khiển zoom của máy hoạt động không còn nhạy như trước do được đẩy ra vào liên tục, các loại máy chạy bằng pin sạc dễ bị chai pin hoặc hỏng pin… Để tránh tình trạng hỏng hóc sau một khoảng thời gian không sử dụng, người dùng cần khởi động cho máy. Việc khởi động thiết bị diễn ra không quá cầu kì, bạn có thể thực hiện bằng cách sạc pin với khoảng thời gian tương đối ít, sau đó bật thiết bị và không sử dụng cho đến khi hết pin, hành động này có thể giúp cho máy vừa thực hiện việc “làm nóng” các vi mạch, vừa làm nóng pin cũng như xả hết pin để có thể làm việc với cường độ cao trong một thời gian dài .

Tháo pin ngay sau khi dùng

Nguồn: best-digital-cameras
Đối với các thiết bị sử dụng pin sạc từ bên ngoài, tức sạc bằng cục sạc riêng, người dùng cần nhớ nguyên tắc: Tháo pin ngay sau khi dùng. Cách làm này giúp tránh trường hợp pin hết gây hỏng thiết bị. Không dùng pin thường cho máy ảnh. Dễ hiểu nhất là do các loại pin này rất hao, thông thường mỗi bộ hai cục pin thường như thế chỉ có thể chụp 2 đến 3 tấm có thể hết pin.

Các loại pin này rất dễ bị chảy nước, ảnh hưởng trực tiếp đến thiết bị. Tốt hơn cả bạn nên dùng pin sạc để chụp được lâu, tránh được ít nhất nỗi bực bội không đáng có do bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp. Đối với các thiết bị có pin nằm sẵn trong máy, trước khi sử dụng, bạn cũng nên mở pin ra và lau nhẹ làm sạch các điểm tiếp xúc của thiết bị.

Không rút thẻ ngay sau khi chụp

Vấn đề tiếp theo bạn cần chú ý đó chính là việc sử dụng các thẻ nhớ của thiết bị. Các thẻ nhớ này là nơi chứa các hình ảnh cũng như các đoạn video clip của bạn, vì vậy nếu kông may các thẻ nhớ này bị hỏng xem như bạn không còn gì trong tay.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến thẻ nhớ bị hư, nhưng liên quan đến các thao tác của người dùng thường có những điểm sau: Thứ nhất, khi máy bật, pin của máy sẽ nạp một lượng điện để chụp ảnh, nhưng khi tắt máy, lượng điện này chỉ xả hết sau khoảng thời gian từ 5 – 10 phút. Rút thẻ nhớ trong lúc này sẽ làm ảnh hưởng đến thẻ. Vì thế, nguyên tắc bạn cần nhớ là không rút thẻ nhớ khi máy còn bật và chỉ rút sau khi bạn tắt máy từ 5 – 10 phút. Nhiều người dùng thói quen sử dụng cùng lúc nhiều thẻ để dễ thay thế khi thẻ đầy. Nhưng thao tác rút thẻ lúc máy còn bật, hoặc thay thế đúng cách nhưng lại cho thẻ vào túi quần rồi ngồi xuống cũng có thể làm hư hỏng thẻ.

Bạn cũng không nên tắt máy ngay khi vừa chụp xong vì tắt bật máy nhiều lần cũng có thể dẫn đến việc di chuyển liên tục của ống kính zoom dẫn đến tình trạng các ống kính bị giảm độ nhạy cần thiết. Việc đem thẻ qua các máy khác cũng dễ làm cho các thẻ nhớ của bạn hỏng hóc, đặc biệt không nên fomat thẻ nhớ của bạn trên các máy khác loại hoặc các máy ảnh không phải máy của thẻ đó.

Máy quay: chỉ sạc pin khi tắt máy

Đối với dòng thiết bị quay phim kỹ thuật số, tuy chưa phổ biến bằng các máy ảnh kỹ thuật số nhưng cũng không còn quá xa lạ. Đối với sản phẩm này, tỉ lệ “nằm im” trong một thời gian dài là rất cao, thậm chí còn cao hơn so với máy ảnh kỹ thuật số do nhu cầu không nhiều, vì vậy việc sử dụng và bảo quản sau khi sử dụng sao cho hợp lí là rất quan trọng. Trước đây hầu hết các sản phẩm thiết bị quay số đều sử dụng băng miniDV thì hiện nay người dùng cá nhân cũng đã sử dụng các đầu quay DVD hoặc ổ cứng. Tuy nhiên do mức giá của đầu quay DVD vẫn còn tương đối cao, nên người dùng vẫn còn dùng rất nhiều sản phẩm đầu quay băng miniDV.

Cũng giống như máy ảnh kỹ thuật số, máy quay kỹ thuật số cũng yêu cầu bạn thời gian khởi động ban đầu cho thiết bị để có thể phục vụ và làm việc trong một thời gian dài sau đó, cách làm cũng giống như máy ảnh kỹ thuật số. Các loại băng miniDV cần phải lấy ra sau khi sử dụng, không nên để trong máy trong thời gian dài.

Đối với pin, hầu hết các pin của máy quay phim đều nằm trong máy và được sạc thông qua bộ sạc, vì vậy bạn cần phải sạc pin đầy đủ sau khi khi đã thực hiện qua các bước khởi động. Trong quá trình sạc pin, bạn nên sạc khi máy ở trạng thái tắt không hoạt động. Bạn nên sạc pin cho máy ở chế độ normal thay vì chế độ Fast. Khi tháo pin ra làm vệ sinh, sau đó lắp vào lại bạn nên chú ý lắp đúng cực của thiết bị để tránh tình trạng có thể gây nổ hoặc gây hiện tượng chập mạch các linh kiện bên trong.

Không dùng bao polyme bọc máy

Màn hình LCD cũng nên được quan tâm, bạn chỉ nên lau các màn hình này với các thiết bị chuyên dụng, do trong thời gian bảo quản lâu, có thể có bụi bẩn bám vào các khe của màn hình. Sau khi dùng xong những ngày Tết, khi bảo quản, bạn nên sử dụng các loại túi hút ẩm được cung cấp sẵn hoặc có thể hỏi mua ở các cửa hàng. Đặc biệt đừng bao giờ sử dụng các loại bao polyme để gói hoặc che đậy sản phẩm để tránh bụi.

Việc sử dụng máy quay phim ở cường độ cao cũng không nên nếu như không thật cần thiết, nếu bạn sử dụng thì nên sử dụng hết pin sau đó hãy bắt đầu sạc lại, các thiết bị ít dùng cần được sử dụng hợp lý để tránh tình trạng chai pin. Ống kính tiêu cự của cả máy ảnh và máy quay để làm vệ sinh bụi bạn phải sử dụng ống thổi chuyên dụng để thổi, tránh sử dụng khăn hoặc sờ tay trực tiếp lên mặc kính.

Nguồn điện ổn định

Ngoài hai sản phẩm chủ đạo của ngày Tết trên, bạn cũng thường hay sử dụng các loại thiết bị như tivi, dàn máy nghe nhạc hoặc các thiết bị khác ngày Tết với cường độ rất cao vì vậy cũng cần lưu ý với các loại sản phẩm này, Tivi cũng là sản phẩm dễ hư hỏng trong ngày Tết. Vì vậy bạn cần giữ cho phòng luôn sạch sẽ và khô thoáng, bạn cũng nên cắm nguồn tivi vào một nguồn điện ổn định. Do lúc khởi động, tivi của bạn sẽ có điện áp rất lớn, thông thường bạn nên cắm nguồn tivi trực tiếp vào ổn áp. Các loại thiết bị khác như đầu đĩa và dàn máy nghe nhạc cũng nên được sử dụng hợp lý hơn với việc tắt mở theo đúng quy trình, không nên vì bận rộn mà rút nguồn trực tiếp của các thiết bị.

Tản nhiệt cho máy

Việc các máy làm việc liên tục trong một thời gian dài sẽ toả nhiệt rất lớn, vì vậy việc tản nhiệt cho thiết bị cũng khá quan trọng. Bạn nên đặt máy ở nơi khô thoáng, tránh nắng chiếu trực tiếp vào thiết bị. Đối với các loại đầu đĩa, không nên cho đọc liên tục hoặc thay đổi liên tục các loại đĩa, có thể làm giảm độ đàn hồi của dây kéo, làm đầu đọc kém đi, gây hiện tượng kén đĩa. Sau khi sử dụng bạn cũng nên để máy nghỉ ngơi trong một thời gian trước khi bật trở lại để thiết bị trở về trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn.

Việc sử dụng quá tải các thiết bị điện tử ngày Tết là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên sử dụng đúng cách và hợp lý sẽ giúp cho các thiết bị của bạn kéo dài tuổi thọ hơn so với bình thường, giảm thiểu được những rủi ro có thể xảy ra trong ngày Tết với các thiết bị của bạn.

Hàn Giang

Theo Thế giới @
  • 180