Đến nay, các nhà khoa học vẫn trăn trở với câu hỏi: Quái vật Bigfoot có thật không?

  •  
  • 832

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bằng chứng xác thực chứng minh quái vật Bigfoot thực sự tồn tại trên Trái đất.

Bigfoot, hay Sasquatch, là sinh vật giống linh trưởng khổng lồ được cho là lang thang ở Bắc Mỹ. Đây là sinh vật kỳ bí, giống như Chupacabra hoặc quái vật hồ Loch Ness. Không có nhiều bằng chứng cho thấy Bigfoot thực sự tồn tại. Một số trường hợp bắt gặp sinh vật này không chụp rõ mặt hoặc hình dạng của nó.

Phần lớn trường hợp trông thấy Bigfoot xảy ra ở vùng tây bắc, nơi sinh vật gắn liền với truyền thuyết của người thổ dân. Từ Sasquatch bắt nguồn từ Sasq’ets, một từ trong tiếng Halq’emeylem một số người thổ dân ở tây nam British Columbia sử dụng, có nghĩa là "người hoang dã" hoặc "người lông lá".

Bức ảnh chụp ở đông bắc Eureka, California năm 1967 được cho là Bigfoot.
Bức ảnh chụp ở đông bắc Eureka, California năm 1967 được cho là Bigfoot. (Ảnh: Bettmann).

Năm 1884, tờ báo British Colonist ở Victoria, Canada đăng bài mô tả một sinh vật "giống khỉ đột" trong vùng, dấy lên nhiều lời đồn hoang đường khác. John Green, tác giả cuốn sách Sasquatch tổng hợp danh sách 1.340 trường hợp từ thế kỷ 19 tới thế kỷ 20.

Năm 1958, Humboldt Times, tờ báo địa phương ở miền bắc California, xuất bản một câu chuyện về phát hiện dấu chân khổng lồ bí ẩn gần Bluff Creek, California. Trong câu chuyện, họ gọi sinh vật là "Bigfoot" (chân to), theo Smithsonian Magazine. Sự tò mò về Bigfoot tăng lên nhanh chóng vào nửa cuối thế kỷ 20, sau bài báo trên tạp chí True xuất bản vào tháng 12/1959, mô tả lại phát hiện năm 1958.

Dấu chân gần Bluff Creek là trò bịp bợm của một người đàn ông tên Ray Wallace, theo lời kể của con cháu ông sau khi ông qua đời năm 2002. Theo thời gian, Bigfoot dần trở nên quen thuộc trên khắp châu lục. Có hơn 10.000 lời kể về Bigfoot ở Mỹ trong 50 năm qua. Theo những lời kể này, Bigfoot được mô tả cao 2,4 tới 3 m và phủ đầy lông.

Phần lớn báo cáo dựa trên ký ức không đáng tin cậy. Tương tự trong những vụ án, nhân chứng có thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và bỏ sót hoặc nhớ nhầm chi tiết quan trọng. Với sinh vật kỳ bí như Bigfoot, bộ não con người có thể dựng lên lời giải thích cho sự kiện mà nó không thể diễn giải ngay lập tức. Ngoài ra, nhiều người muốn tin rằng Bigfoot tồn tại.

Video nổi tiếng nhất về Bigfoot là một thước phim ngắn quay vào năm 1967 bởi Roger Patterson và Bob Gimlin. Ghi hình ở Bluff Creek, video quay một sinh vật giống linh trưởng cao lớn đầy lông đi bằng hai chân, sải bước qua khoảng đất trống. Độ tin cậy của video vẫn còn gây tranh cãi. Nhiều khả năng đó là trò lừa và sinh vật giống linh trưởng là con người mặc đồ hóa trang.

Với sự phổ biến của camera chất lượng cao ở điện thoại di động, ảnh chụp trở nên ngày càng rõ nét, nhưng Bigfoot là một ngoại lệ. Cách giải thích hợp lý là Bigfoot không có thực và ảnh chụp sinh vật chỉ là lừa đảo hoặc nhầm lẫn. Một số người khẳng định nghe thấy Bigfoot la hét, gào rú, tru rống, hoặc nhiều âm thanh khác. Các bản thu âm thanh kỳ lạ gắn liền với Bigfoot đôi khi thu hút sự chú ý của truyền thông nhưng tiếng động thường được quy cho động vật đã biết như cáo hoặc sói đồng cỏ.

Không có bằng chứng chắc chắn về sự tồn tại của Bigfoot. Khi những mẫu vật nghi thuộc về Bigfoot được phân tích khoa học, các chuyên gia phát hiện chúng có nguồn gốc bình thường. Ví dụ, năm 2014, một nhóm nhà nghiên cứu đứng đầu là nhà di truyền học quá cố Bryan Sykes đến từ Đại học Oxford, Anh, tiến hành phân tích di truyền 36 mẫu lông thuộc về Bigfoot hoặc Yeti, sinh vật giống linh trưởng tương tự được cho là sinh sống trên dãy Himalaya. Gần như tất cả mẫu lông đến từ loài vật thông thường như bò, gấu mèo, hươu và con người. Tuy nhiên, hai mẫu vật rất khớp với một loài gấu vùng cực thời Đồ đá mới. Chúng có thể thuộc về một loài gấu chưa biết, nhưng không phải linh trưởng.

Nghiên cứu di truyền cung cấp một lý do khác để nghi ngờ sự tồn tại của Bigfoot. Một sinh vật cô độc không thể sinh sản và duy trì một quần thể. Để loài như Bigfoot có thể tồn tại, chúng cần quần thể đủ lớn để tránh giao phối cận huyết và độ đa dạng di truyền thấp, nếu không chúng sẽ tuyệt chủng. Sự tồn tại của nhiều Bigfoot sẽ dẫn đến tăng khả năng một cá thể bị thợ săn giết chết hoặc bị tài xế đâm trúng trên đường cao tốc, hay chết do dịch bệnh/tuổi già và được nông dân hoặc người leo núi phát hiện. Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy cái xác nào của Bigfoot.

Bằng chứng khoa học về sự tồn tại của Bigfoot có thể khan hiếm, nhưng một loài linh trưởng khổng lồ đi bằng hai chân từng sống trên Trái đất. Loài đó có tên Gigantopithecus blacki, cao khoảng 3 m và nặng tới 270 kg, dựa trên hóa thạch. Dù vậy, Gigantopithecus sống ở Đông Nam Á, không phải Bắc Mỹ, và tuyệt chủng cách đây hàng trăm nghìn năm. Chúng cũng có họ hàng gần với đười ươi hiện đại hơn con người và tinh tinh.

Cập nhật: 21/11/2022 VnExpress
  • 832