Dịch cúm gia cầm phát triển nhanh trên diện rộng

  •  
  • 78

Bộ trưởng bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn Cao Đức Phát:

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 14-11, một lần nữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tiếp tục cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch và xảy ra đại dịch cúm gia cầm tại VN.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cho đến chiều hôm qua dịch đã bùng phát tại 45 xã, phường của 29 huyện, thị thuộc 10 tỉnh thành khắp ba miền đất nước. Đặc biệt, dịch năm nay đến sớm hơn năm 2004 một tháng và “phát rất nhanh, số lượng gia cầm, thủy cầm chết, tiêu hủy vì dịch nhiều và xảy ra ở diện rộng, có nguy cơ sẽ còn lan rộng hơn trong thời gian tới”.

Ông Phát nêu rõ ở ĐBSCL chỉ có hai tỉnh là Đồng Tháp, Bạc Liêu; miền Trung chỉ có duy nhất Quảng Nam; còn lại bảy địa phương có dịch đều thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây là điều khác với “qui luật” các đợt dịch trước là bùng phát ở miền Nam rồi mới xuất hiện ở miền Bắc.

Tại cuộc họp, cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh cho biết Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) vừa có khuyến cáo: gia cầm sau khi tiêm văcxin phòng dịch có thể sử dụng làm thực phẩm chỉ sau 14 ngày, chứ không phải 28 ngày như khuyến cáo trước đây.

Ông Bùi Quang Anh cũng cho biết đến nay đơn vị này đã nhập đủ 220 triệu liều văcxin. 52 tỉnh, thành phố (trong đó có ba tỉnh đã hoàn thành cả hai mũi tiêm) đã tiêm văcxin phòng dịch cho trên 100 triệu gia cầm, thủy cầm.

Bộ trưởng Phát tỏ ra rất lo lắng trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó ở địa phương, các biện pháp phòng chống dịch vẫn chưa đồng bộ. “Việc phát hiện dịch rất chậm, công tác xử lý cũng còn lúng túng và chậm. Người dân vẫn còn thờ ơ với dịch. Đây chính là những nguyên nhân quan trọng để dịch bệnh lây lan nhanh” - ông Phát nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Bá Bổng, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, khẳng định trong thời điểm này vẫn chưa thể nâng mức hỗ trợ người chăn nuôi có gia cầm phải tiêu hủy vì dịch. Theo ông Bổng, mức hỗ trợ 15.000 đồng/con như hiện nay (tương đương 1 USD/con) là đã bằng, thậm chí hơn Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...

Dù mức hỗ trợ tiêu hủy gia cầm vẫn giữ nguyên nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết cơ quan này đã hoàn thiện “một số chính sách khuyến khích chuyển đổi phương thức chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các chính sách khuyến khích, hỗ trợ: những hộ có thu nhập khoảng 30% trở lên dựa vào chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong hai năm để chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung, hoặc chuyển nuôi con vật khác. Mức vay được hỗ trợ lãi suất không quá 10 triệu đồng/hộ.

Đối với các hộ kinh doanh giết mổ qui mô nhỏ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ để chuyển đổi nghề. Hỗ trợ các cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm thu mua gia cầm sống, trứng sống từ các cơ sở chăn nuôi gia cầm đã được kiểm dịch với mức 4.000 đồng/kg gia cầm hơi và 200 đồng/trứng... 

ĐỨC BÌNH

Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ngăn chặn dịch là nhiệm vụ trọng tâm

Sáng 14-11, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác kiểm tra phòng chống dịch cúm gia cầm của Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương. Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng đã chỉ đạo tỉnh Bình Dương phải chú trọng đến ba vấn đề:

Thứ nhất: tăng cường công tác tuyên truyền.

Thứ hai: tỉnh đã làm tốt công tác tiêm phòng thì nay phải hết sức chú ý đến việc bảo vệ đàn gia cầm. Thứ ba: kiểm soát chặt, phát hiện và kịp thời khoanh vùng, dập tắt ngay khi có ổ dịch. 

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: phải xem phòng dịch và ngăn chặn là công tác trọng tâm, không để dịch bệnh xảy ra ở người. Các cơ sở nên tạm dừng chăn nuôi gia cầm bởi nếu chăn nuôi cũng không có đầu ra.      

ANH THOA

Theo Tuổi trẻ Online
  • 78