Điều gì xảy ra nếu tiểu hành tinh 900m đâm vào Trái đất?

  •  
  • 477

Sử dụng mẫu vật thu thập từ tiểu hành tinh Ryugu, một nhóm nhà nghiên cứu của JAXA có thể tính toán những gì xảy ra nếu nó đâm trúng Trái đất.

Các nhà khoa học tính toán điều gì sẽ xảy ra nếu tiểu hành tinh Ryugu đâm vào Trái đất. Họ có thể dự đoán kết quả vụ va chạm như vậy nhờ phân tích mẫu vật do tàu Hayabusa2 của Cơ quan khám phá hàng không vũ trụ Nhật Bản đưa về. Trình bày kết quả tính toán tại Hội nghị phòng thủ hành tinh lần thứ 8 tại Vienna, Áo hôm 4/4, giáo sư Satoshi Tanaka ở ban Khoa học hệ Mặt Trời của JAXA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự đoán đối với nỗ lực bảo vệ Trái đất khỏi những tiểu hành tinh như Ryugu.

Hiện nay, Ryugu sẽ không bay gần Trái đất hơn 100.000km. 
Hiện nay, Ryugu sẽ không bay gần Trái đất hơn 100.000km.

Phóng vào tháng 12/2014, tàu Hayabusa2 tới Ryugu, tiểu hành tinh rộng 900m cách Trái đất 300 triệu km vào tháng 6/2018 sau 42 tháng di chuyển. Ngoài thu thập mẫu vật và mang về Trái đất năm 2020, tàu Hayabusa2 còn bắn hai viên đạn vào thiên thể này. "Tàu Hayabusa2 thực hiện thành công thí nghiệm bắn hai viên đạn một kilogram ở tốc độ 2km/s, tạo thành miệng hố đường kính 20m. Lực dính kết của lớp đá rất thấp. Mật độ đá chỉ cao hơn nước một chút với độ rỗng rất lớn", Tanaka cho biết.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu ước tính Ryugu sẽ không đến gần Trái đất hơn 100.000km. Dựa trên dữ liệu, Ryugu được cho là tiểu hành tinh đống đổ nát với độ bền cơ học thấp hơn đá thông thường. Điều đó có nghĩa nếu tiểu hành tinh bay về phía Trái đất, giới khoa học cần ngăn nó vỡ thành nhiều mảnh khi sử dụng biện pháp tương tự tàu DART từng đâm vào thiên thể Dimorphos hồi tháng 9/2022.

Tanaka giải thích trong trường hợp không dùng biện pháp chuyển hướng, nếu tiểu hành tinh Ryugu bay qua khí quyển Trái đất ở góc 45 độ và tốc độ khoảng 61.000 km/h (17 km/s), tiểu hành tinh đống đổ nát này sẽ vỡ ở độ cao khoảng 35 - 40 km, dẫn tới vụ nổ trên không giống sự kiện ở Nga vào tháng 2/2023, khi thiên thạch Chelyabinsk phát nổ phía trên mặt đất 30 km. Kết quả, vụ nổ Chelyabinsk tạo ra chớp sáng chói mắt và năng lượng tương đương 400 - 500 nghìn tấn thuốc nổ TNT, gấp 33 lần năng lượng giải phóng bởi quả bom nguyên tử phá hủy Hiroshima vào cuối Thế chiến II.

Vụ nổ Chelyabinsk khiến gần 1.500 người bị thương do lượng mảnh vỡ mà nó tạo ra. Với đường kính 20 m, thiên thạch Chelyabinsk là vật thể vũ trụ lớn nhất bay qua khí quyển Trái đất từ năm 1908, nhưng chỉ bằng một phần nhỏ so với Ryugu.

Tanaka chỉ ra nếu Ryugu vỡ trong khí quyển phía trên Trái đất, hiện nay chúng ta không biết chính xác độ bền kéo của tiểu hành tinh để dự đoán kích thước mảnh vỡ rơi xuống mặt đất. Ông và cộng sự đang hoàn thành phân tích sơ bộ với mẫu vật đưa về Trái đất. Việc khám phá cấu trúc bên trong rất quan trọng để đánh giá chính xác hơn tác động của những tiểu hành tinh như Ryugu lên Trái đất trong tương lai.

Cập nhật: 06/04/2023 VnExpress
  • 477