Uống một lượng cà phê vừa đủ không chỉ giúp tinh thần sảng khoái hơn, mà còn có lợi cho mắt, hệ thống tim mạch, răng miệng, dạ dày và một số cơ quan khác.
Não bộ
Theo Yahoo, Marc Leavey, chuyên gia chăm sóc sức khỏe của Trung tâm Mercy, Baltimore cho biết chất caffeine trong cà phê có khả năng tăng cường hệ thống thần kinh và sự tập trung. Thông thường, não hoạt động bằng cách giải phóng một loại hóa chất dẫn truyền thông qua các khớp thần kinh. Khi bạn uống cà phê, caffeine kích thích chất dẫn truyền này hoạt động hiệu quả hơn.
Vì vậy, bạn sẽ cảm thấy tinh thần tỉnh táo hơn sau khoảng 30 phút và kéo dài khoảng vài giờ sau đó.
Ngược lại, uống quá nhiều cà phê sẽ áp đảo hệ thống não bộ, phá hoại sự tập trung. Do đó, thay vì tỉnh táo, bạn sẽ thấy bồn chồn, lo lắng.
Mắt
Theo tiến sĩ Nieca Goldberg, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Langone (Mỹ), cà phê kích thích hệ thống não bộ giải phóng sản xuất adrenaline, khiến đồng tử giãn nhẹ, giúp tầm nhìn sắc nét hơn.
Uống một lượng cà phê vừa phải rất có lợi cho các cơ quan như não bộ, thị lực, tim mạch...
Răng miệng
Cà phê chứa nhiều polyphenol, một vi chất đã được chứng minh có tác dụng hiệu quả trong việc tiêu diệt các mảng bám và vi khuẩn có hại cho răng miệng.
Tuy nhiên, khi các polyphenol loại bỏ mảng bám, đường và sữa sẽ dễ dàng xâm nhập vào khu vực bên trong răng, có thể khử khoáng và gây sâu răng. Chúng cũng khiến răng đổi màu nhanh chóng.
Do vậy, bạn nên sử dụng ống hút uống cà phê để hạn chế số lượng đường xâm nhập vào răng, hoặc đánh răng ngay sau khi uống.
Tim mạch
Chất caffeine làm tăng sự nhạy cảm của hệ thống thần kinh, kích hoạt hệ thống tim mạch. Do đó, khoảng 15 phút sau khi uống một cốc cà phê, huyết áp sẽ tăng lên 10-15%.
Chuyên gia Marc khuyên bạn chỉ nên uống khoảng 2 cốc cà phê (mỗi cốc khoảng 170mg) mỗi ngày. Uống nhiều hơn mức cho phép sẽ không tốt cho những người bị bệnh tim, huyết áp cao, nhịp tim nhanh và một số vấn đề tiềm ẩn về tim.
Hệ thống dạ dày
Caffeine kích thích các thụ thể trong dạ dày, thúc đẩy tiết dịch khoảng 10-15%, giúp bạn tiêu hóa thức ăn nhanh hơn.
Mặt trái của sự vận động này là nó có thể gây trào ngược, ợ nóng... Nguyên nhân là do caffeine làm giãn cơ vòng, một bó cơ nằm ở đáy thực quản, khiến thực phẩm từ dạ dày có thể đi ngược vào thực quản.
Ruột và bàng quang
Chuyên gia Marc cho biết caffeine kích thích ruột, giúp hệ thống này làm việc nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chất thải ở trong ruột cần một thời gian nhất định để trở thành chất rắn. Nếu ruột làm việc quá nhanh, chất thải vẫn ở dạng lỏng, gây ra hội chứng ruột kích thích (IBS), đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe.
Cà phê hoạt động như một chất lợi tiểu, ảnh hưởng đến các ống trong thận, do đó tăng lượng nước tiểu, khiến bạn đi vệ sinh nhiều hơn.