Đoàn thám hiểm phát hiện ngọn núi dưới nước cao gấp 3 lần tháp Burj Khalifa

  •  
  • 407

Một đoàn thám hiểm tìm và lập bản đồ 4 ngọn núi ngầm ở vùng biển sâu ngoài khơi Peru và Chile, ngọn núi cao nhất là 2.681m.

Các nhà nghiên cứu phát hiện 4 ngọn núi ngầm khổng lồ vươn cao bên trên đáy biển quanh Nam Mỹ sau khi xác định "dị thường trọng lực" từ những ngọn núi dưới nước. Ngọn núi cao nhất nhô lên hơn 2,4km từ đáy biển, gấp 3 lần so với tòa nhà cao nhất thế giới là tháp Burj Khalifa, Live Science hôm 8/2 đưa tin.

 Bản đồ núi ngầm dưới biển.
Bản đồ núi ngầm dưới biển. (Ảnh: Viện Hải dương Schmidt)

Nhóm nhà khoa học trên tàu nghiên cứu Falkor của Viện Hải dương Schmidt gần đây phát hiện và lập bản đồ 4 ngọn núi ngầm ở biển sâu cách vùng ven biển Peru và Chile 460 - 600 km trong một chuyến thám hiểm qua khu vực Đông Thái Bình Dương từ Costa Rica tới Chile.

Ba ngọn núi ngầm ở Peru cao lần lượt 1.591 m, 1.644 m và 1.873 m. Nhưng ngọn núi ngầm lớn nhất được tìm thấy ngoài khơi Chile, cao 2.681 m so với đáy biển, cách mặt nước chưa đến 1,6km. So với nó, tòa nhà cao nhất thế giới là tháp Burj Khalifa cao 828m trong khi tòa Empire State cao 380m. Đỉnh núi cao nhất có diện tích bề mặt khoảng 450km2, tương đương bang New Orleans.

Những ngọn núi ngầm khổng lồ trên đều là núi lửa đã ngừng hoạt động, lớn đến mức tạo ra thay đổi nhỏ trong độ cao của bề mặt đại dương. Các vùng dị thường trọng lực như vậy có thể nhận biết qua vệ tinh. Trong trường hợp này, bề mặt đại dương lồi ra ở ngay phía trên ngọn núi, theo John Fulmer, kỹ thuật viên trưởng của đoàn thám hiểm.

Năm ngoái, chính nhóm nghiên cứu của Fulmer tìm thấy một ngọn núi đồ sộ khác cao gấp hai lần tháp Burj Khalifa. Tuy nhiên, có vài ngọn núi dưới nước lớn hơn. Ngọn núi ngầm lớn nhất thế giới là núi lửa nằm im Mauna Kea ở Hawaii, theo Viện Hải dương học Woods Hole. Nó cao khoảng 4.205 m phía trên mực nước biển nhưng vươn sâu xuống đáy biển, theo Cục khảo sát Địa chất Mỹ. Chiều cao đích thực của ngọn núi lửa 10.211 m.

Các nhà khoa học nghi ngờ có tới 100.000 núi ngầm rải rác khắp đại dương trên thế giới, theo Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ trong số này được lập bản đồ. Hơn 1/2 trong số ngọn núi được dự đoán nằm nhiều khả năng nằm ở Thái Bình Dương. Chuyến thám hiểm gần đây nhất nằm trong dự án mới mang tên Seabed 2030 nhằm lập bản đồ toàn bộ đáy biển trên thế giới vào cuối thập kỷ, hé lộ những núi ngầm còn giấu kín. Sử dụng robot dưới nước, nhóm nghiên cứu khám phá một trong các sống núi, tìm kiếm khu vực đa dạng sinh học biển.

Họ ghi hình một con bạch tuộc Casper trắng giống bóng ma, đánh dấu lần đầu tiên động vật chân đầu sống dưới biển sâu này được quan sát ở Nam Thái Bình Dương. Phát hiện mới là điểm nhấn trong chuyến thám hiểm thứ 3 của tàu nghiên cứu tới khu vực Nazca Ridge nằm ở vùng biển quốc tế. Hai chuyến thám hiểm trước đó hồi tháng 1 và 2 giúp phân loại 150 loài chưa biết. Chi tiết về các loài mới phát hiện sẽ được chia sẻ với dự án Ocean Census, chương trình cộng tác quốc tế hướng tới nhận dạng 100.000 loài chưa biết trong vòng 10 năm tới, cho phép các nhà khoa học hiểu và bảo vệ tốt hơn hệ sinh thái biển sâu.

Núi ngầm thường được ví như "điểm nóng sinh học" bởi các nhà nghiên cứu hải dương. Cấu trúc cung cấp một chất nền cứng cho những loài không di chuyển như san hô và bọt biển để sinh sống và gây hiện tượng nước trồi khi dòng hải lưu cuốn dưỡng chất từ biển sâu tới gần mặt nước, hấp dẫn động vật lớn như giáp xác, cá, động vật chân đầu và cá mập. Do đó, núi ngầm là môi trường biển cực kỳ quan trọng.
Cập nhật: 30/08/2024 VNE
  • 407