2011 là năm xuất hiện nhiều kỳ tích thuộc lĩnh vực Y học: Dallas Wiens trở thành bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép mặt toàn diện tại Mỹ, các nhà nghiên cứu tìm thấy phương pháp làm giảm tới 96% nguy cơ người bệnh HIV truyền virus cho bạn tình…
Tiếp bước những thành công đó, năm 2012 cũng hứa hẹn nhiều tiến bộ y học đáng kể. Dưới đây là 5 dự báo được đưa ra bởi các chuyên gia của tạp chí My Health News Daily.
Xạ trị và hóa trị được biết đến là những liệu pháp được sử dụng trong điều trị ung thư. Tuy nhiên không dừng lại tại đó, trong 20 năm qua, các chuyên gia vẫn tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc-xin thay thế. Và năm 2012 được dự đoán là năm thành công của những cố gắng này.
Theo Viện Ung thư Quốc gia, hơn 250 thử nghiệm lâm sàng vắc-xin, trong đó có 34 thử nghiệm dành cho bệnh ung thư vú, đã được tiến hành.
Cũng giống như các loại vắc-xin khác, vắc-xin ung thư dựa trên một dấu hiệu hóa học của căn bệnh để tạo ra hệ thống miễn dịch ở người có thể chống lại bệnh tật.
“Tuy nhiên, trong khi vắc-xin cúm hay thủy đậu có tác dụng phòng ngừa, thì điểm khác biệt của vắc-xin này là nó được tiêm chủng sau khi bệnh ung thư xuất hiện", Giáo sư - Tiến sĩ Larry Kwak đến từ Đại học Texas cho biết.
“Vắc-xin của Kwak” đã trải qua giai đoạn thử nghiệm thứ III và đang hướng tới những bước phê duyệt cuối cùng.
Trước đó, vào mùa xuân năm 2010, Cục Quản lý dược và thực phẩm Mỹ phê chuẩn loại vắc-xin ung thư đầu tiên được gọi là Provenge sử dụng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Hiện nay, Viện Ung thư Quốc gia vẫn đang tiếp tục thử nghiệm lâm sàng vắc xin điều trị ung thư bàng quang, vú, cổ tử cung, thận, phổi, tuyến tụy...
Sốt rét là một căn bệnh nguy hiểm chết người. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính trong năm 2010 có khoảng 216 triệu trường hợp mắc bệnh và 655.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em. Cộng đồng có thể hạn chế nhiễm trùng sốt rét thông qua việc kiểm soát loài muỗi. Tuy nhiên, hiện nay chưa có loại vắc-xin nào giúp ngăn chặn căn bệnh này.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Oxford đã thu hút sự chú ý của giới khoa học quốc tế khi tuyên bố phát triển thành công một loại vắc xin có thể ngăn ngừa nhiều chủng ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất như P. Falciparum trên động vật.
Chìa khóa thành công nằm trong một giai đoạn phát triển quan trọng của ký sinh trùng. Khi muỗi đốt người (hoặc động vật), ký sinh trùng truyền qua máu đến gan, và sau đó là các tế bào máu đỏ, Tiến sĩ William Schaffner tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tenn cho biết.
Các ký sinh trùng sinh sôi nảy nở và thay đổi thành hai hình thức mới: một là tấn công các tế bào máu đỏ khác, hai là lưu thông trong máu. Loại vắc-xin mới có khả năng ngăn chặn ký sinh trùng xâm nhập vào các tế bào máu đỏ. “Nếu chúng ta làm như vậy, nó sẽ không thể gây bệnh cho bạn”, Schaffner nói. Tuy nhiên, vắc-xin này vẫn sẽ phải trải qua nhiều công đoạn thử nghiệm, bởi vì một số loại vắc-xin sốt rét khác đã không thành công khi nghiên cứu trên con người.
Trong tháng 12 vừa qua, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã công bố giới hạn mới cho lượng phát thải thủy ngân và các chất độc không khí nhằm ngăn ngừa 11.000 ca tử vong sớm và 4700 trường hợp bệnh tim mỗi năm. Quy định của EPA ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của nhóm ngành công nghiệp than. Steve Miller, giám đốc điều hành Liên minh Hoa Kỳ vì Điện sử dụng Than sạch (ACCCE), cho biết: “Nó sẽ tước mất công ăn việc làm của nhiều người, nâng cao chi phí năng lượng và thậm chí có thể tạo ra những dòng điện năng không tốt”.
Tuy nhiên, các nhóm y tế như Hiệp hội ung thư phổi Mỹ lại tỏ rõ sự vui mừng vì nó hạn chế chất gây ung thư và chất ô nhiễm làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn.
Quy định của EPA làm giảm đáng kể số lượng thủy ngân mà các nhà máy điện thải vào không khí. Trong điều kiện nước, nó được chuyển thành chất metyl thủy ngân có trong nhiều loài cá. Luật mới cũng sẽ cắt giảm số lượng của hơn 60 độc tố không khí, bao gồm các kim loại nặng như thạch tín, crôm, và niken.
Một số loại thuốc có nhãn hiệu bán chạy nhất tại Mỹ sẽ mất giấy phép độc quyền vào năm 2012. Các công ty dược phẩm có thể sẽ mất hàng tỷ đô la doanh thu, nhưng sự thay đổi này lại giúp cắt giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu bệnh nhân bệnh tim, hen suyễn, tiểu đường ở Mỹ.
Bằng độc quyền sáng chế giúp cho loại thuốc đó trở nên an toàn và hiệu quả hơn, Tiến sĩ Elliott Antman, hiệu trưởng trường Y khoa Harvard giải thích. Một loại thuốc mới thường được nghiên cứu thử nghiệm trên hàng chục ngàn người để tìm hiểu sự khác biệt cũng như tác dụng phụ.
Tuy nhiên, “ưu điểm của thuốc không có tên thương mại là nó ít tốn kém hơn nhiều, vì vậy nó rất được mong đợi”, Antman nhận định.
Ở Mỹ, nhà doanh nghiệp cũng như các gia đình có 2 nguồn thu nhập thường phải lựa chọn giữa rất nhiều dịch vụ bảo hiểm khác nhau. Điều này đôi khi có thể gây nhầm lẫn và người ta thậm chí không nhận ra những khoản mà họ phải nợ cho đến khi sử dụng các dịch vụ đó.
Một điều khoản trong Đạo luật mang tên Patient Protection And Affordable Care Act (tạm dịch: Đạo Luật Chu cấp và Bảo Vệ sức khỏe cho bệnh nhân) sẽ có hiệu lực thi hành vào năm 2012 nhằm mục đích giúp người dân có hiểu biết đầy đủ và dễ dàng hơn trong việc so sánh các dịch vụ bảo hiểm.