Trái đất nóng lên buộc động vật hoang dã phải điều chỉnh theo những cách không ngờ tới, tuy nhiên, sự thích nghi này không đủ cho hệ sinh thái mỏng manh và gắn bó chặt chẽ trên hành tinh của chúng ta.
Nhiệt độ Trái đất ấm lên không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của con người mà còn tác động đến nhiều loài động vật trên Trái đất. Đợt nắng nóng dữ dội bao trùm Mexico vào tháng Năm vừa qua đã giết chết hơn 50 con khỉ rú.
Cá ngựa vằn đã tiến hóa để có thể sống sót trong vùng nước ấm hơn. (Ảnh: Getty Images).
Trong khi loài người có thể áp dụng nhiều biện pháp tránh nóng để tiếp tục tồn tại thì các loài động vật phải dựa vào sự thích nghi mà chúng đã thừa hưởng qua hàng triệu năm tiến hóa để tồn tại.
Chẳng hạn, chó lè lưỡi và thở hổn hển để thoát nhiệt lượng; kangaroo liếm ướt hai bàn chân trước rồi chà xát lên người để làm mát cơ thể; voi vẫy đôi tai to lớn của mình để bớt nóng.
Tuy nhiên, một số loài động vật khác buộc phải thay đổi nhiều hơn để tiếp tục sinh tồn trong một thế giới đang nóng lên. Giovanni Strona, Nhà sinh thái học thuộc Ủy ban châu Âu, cho biết hiện tượng này được mô tả là “người thắng và kẻ thua trong biến đổi khí hậu”.
Strona dẫn đầu một nghiên cứu năm 2022, được công bố trên Tạp chí Science Advances, cho thấy rằng theo kịch bản phát thải trung gian, trung bình trên toàn cầu, chúng ta sẽ mất gần 20% đa dạng sinh học của động vật có xương sống vào cuối thế kỷ này. Trong kịch bản ấm lên trong trường hợp xấu nhất, tổn thất đó tăng lên gần 30%.
Vậy loài động vật nào là "kẻ chiến thắng" và chúng sẽ thực sự thích nghi như thế nào khi nhiệt độ ngày càng tăng, hạn hán và mất môi trường sống?
Các quy tắc địa lý sinh thái mô tả xu hướng về các đặc điểm thể chất của động vật thay đổi theo địa lý và đưa ra manh mối về cách các loài sẽ thích nghi với khí hậu khắc nghiệt hơn.
Theo Quy tắc Allen, các cá thể ở vùng khí hậu ấm hơn có các bộ phận phụ lớn hơn, chẳng hạn như cánh và mỏ, để giúp kiểm soát thân nhiệt dễ dàng hơn, đồng thời kích thước cơ thể có xu hướng nhỏ lại để giữ ít nhiệt hơn.
Vẹt đuôi dài đỏ thay đổi kích thước mỏ và sải cánh khi nhiệt độ ấm lên. (Nguồn: Wikimedia Commons)
Tại Mỹ, một nghiên cứu gần đây trên 70.716 con chim di cư đại diện cho 52 loài cho thấy chúng ngày càng nhỏ hơn trong 4 thập niên qua, nhưng sải cánh lại rộng hơn.
Sự thay đổi này ở các loài chim có thể làm thay đổi kiểu di cư của chúng, gây ra những tác động kích thích lên hệ sinh thái mà chúng sinh sống.
Động vật hoang dã có thể chịu đựng nhiệt độ cực cao như thế nào tùy thuộc vào quá trình trao đổi chất và loại môi trường chúng sống.
Những loài đặc biệt có khả năng phục hồi cao sẽ thích nghi theo nhiều cách. Sư tử biển California là một ví dụ. Chúng không chỉ điều chỉnh phạm vi địa lý hoạt động mà còn thay đổi sinh lý để cải thiện độ linh hoạt của cổ và lực cắn, cho phép chúng ăn nhiều loại con mồi hơn.
Sư tử biển California. (Nguồn: Los Angeles Times).
Một số loài chuyển sang làm tổ sớm hơn, ví dụ, các loài chim ở bờ biển phía tây Bắc Mỹ đã phản ứng với nhiệt độ ấm lên bằng cách làm tổ sớm hơn tới 12 ngày so với cách đây gần một thế kỷ.
Nghiên cứu của Phó giáo sư Sinh học Michael P. Moore (Đại học Colorado Denver) và Phó giáo sư Sinh thái và Tiến hóa James T. Stroud (Học viện Công nghệ Georgia, Mỹ), cho thấy những con chuồn chuồn có màu sẫm ngày càng nhạt màu hơn để giảm lượng nhiệt chúng hấp thụ từ Mặt trời. Trong khi thằn lằn ngày càng chịu lạnh tốt hơn nhằm đối phó với điều kiện khí hậu ngày khắc nghiệt.
Mặc dù có thể có những "người chiến thắng" ngắn hạn khi Trái đất ấm lên, song theo các nhà khoa học, số lượng "những kẻ thua" nhiều hơn gấp nhiều lần bởi biến đổi khí hậu đang tác động lên toàn bộ chuỗi thức ăn với nhiều loài khác không thể tiến hóa kịp.
Nghiên cứu của Nhà sinh thái học Giovanni Strona cho hay những sinh vật có vị trí thấp trong chuỗi thức ăn như côn trùng và động vật gặm nhấm, có thể thích ứng để sinh tồn tốt hơn khi Trái đất nóng lên.
Những loài động vật lớn hơn, như voi, sẽ gặp khó khăn khi khí hậu thay đổi. (Nguồn: Shutterstock).
Ngược lại, các loài động vật lớn hơn và có vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.
Trái đất hiện nay đã ấm hơn khoảng 1,1 độ C so với những năm 1800. Dựa trên những dự đoán hiện tại, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.
Nhiệt độ tăng có thể gây ra sự sụp đổ của các hệ sinh thái mỏng manh và những đợt tuyệt chủng khổng lồ.
Theo một báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), khoảng 1 triệu loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong bối cảnh Trái đất đang nóng dần lên. Hành tinh của chúng ta có thể đang bước vào sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6.
Các nhà nghiên cứu cho biết điều duy nhất có thể hạn chế sự tuyệt chủng trong tương lai là nhanh chóng ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm khí thải và bảo tồn môi trường sống cho các loài.