Loài dơi quạ chết hàng loạt vì cái nóng gay gắt tại Australia, nay có thể được cứu sống nhờ hệ thống phun nước tân tiến nhất.
Mỗi tối, hàng chục nghìn con dơi đầu xám bay trên bầu trời của Melbourne, Australia.
Dơi quạ tại một cơ sở thả trong công viên Yarra Bend ở Melbourne, Australia. (Ảnh: New York Times).
Ban ngày, những con dơi lớn này tập trung trong các tán cây. Về đêm, chúng tỏa ra khắp bang Victoria để tìm kiếm thức ăn: Hoa, lá và trái cây.
Nhưng mùa hè đến đe dọa sự tồn tại của chúng. Nhiệt độ tăng lên quá cao, trên 40 độ C, dẫn đến dơi chết hàng loạt. Và những ngày oi bức như vậy đang xuất hiện nhiều hơn.
Giai đoạn 2013-2020 là một trong 10 giai đoạn nóng kỷ lục được ghi nhận tại Australia. Các nhà chức trách ở Melbourne, thành phố từng mang tên Batmania ("thành phố cuồng dơi"), đã nghĩ ra một giải pháp: Tắm cho những con dơi này.
Năm nay, với chi phí khoảng 120.000 USD, 32 hệ thống phun nước đã được lắp đặt dọc theo con sông trong công viên Yarra Bend, công viên rừng tự nhiên lớn nhất Melbourne và là tổ của khoảng 35.000 con dơi trong mùa hè này.
Việc thiết kế hệ thống gặp nhiều vấn đề phức tạp, ông chia sẻ. Ngoài những vấn đề về tiếng ồn, độ bền và cung ứng, hệ thống cần được bảo vệ khỏi mỏ của những con vẹt thích nhổ mọi thứ ra.
Các kỹ thuật viên ban đầu gặp khó khăn khi muốn tạo một cơn mưa nhẹ, giúp làm mát cho đàn dơi mà không làm tăng độ ẩm quá mức vì có thể gây tác dụng ngược. Cuối cùng, một hệ thống tựa như loạt cây sậy kim loại cao chót vót đã ra đời.
Một đàn dơi quạ ở công viên Yarra Bend. (Ảnh: New York Times).
"Chúng thông minh hơn chúng ta tưởng", ông Sullivan nói. Ông cho hay, trong quá trình thử nghiệm, một con dơi đã mạnh dạn bay xuyên qua màn nước trước khi trở lại đàn và kêu lên ríu rít. Liền sau đó, có vẻ như đã nhận được tín hiệu, một con dơi khác bay tới, và cứ thế hết con dơi này đến con dơi khác bay đến.
“Kết quả là rất nhiều con dơi đã bay qua”, ông Sullivan nói. “Như thể chúng đang nói với nhau ‘Đến đây và xem này’ vậy”.
Rodney van der Ree, một nhà sinh thái học tại Đại học Melbourne, cho biết dơi quạ rất biết cách hợp tác.
"Chúng rất thông minh", ông nói. "Một số lượng cá thể nhất định sẽ xuất hiện tại một khu vực mới nếu có sẵn lượng lớn thức ăn, vì bằng một cách nào đấy chúng đã trao đổi với nhau".
Vào tháng 12/2019, tại Australia đã có khoảng 4.500 con dơi đầu xám chết chỉ trong 3 ngày nắng nóng cực độ.
Trong những ngày oi bức nhất, các cách dơi thường sử dụng để đối phó với cái nóng như đổ mồ hôi hay quạt cánh không còn hiệu quả nữa. Khi cơ thể bị mất nước, chức năng thần kinh suy giảm khiến một số động vật bắt đầu co giật. Nếu không được chăm sóc khẩn cấp, chúng sẽ chết.
Các tình nguyện viên cảm thấy đau lòng khi phải tận mắt chứng kiến sự sống rời bỏ những con vật.
Ông Sullivan và Tim Carver, trưởng một nhóm kiểm lâm của Parks Victoria, thử hệ thống phun nước mới. (Ảnh: New York Times).
"Bạn sẽ nản lòng, nhưng phải tự mình vực dậy và tiếp tục hành động, vì đó là thứ duy nhất bạn có thể làm”, Lawrence Pope, 62 tuổi, người sống chung với đàn dơi Melbourne đã hai thập kỷ, cho biết. Ông cũng nói thêm: "Nếu mình không giúp đỡ chúng, sẽ chẳng còn ai có thể".
Đối với nhiều người Australia, những con vật này khá nặng mùi, ồn ào và có khả năng là vật trung gian truyền bệnh.
Nhưng đối với các nhà sinh thái học, việc số lượng dơi giảm sút, chỉ còn khoảng 700.000 con vào năm 2019 so với hàng triệu con trước đây, là điều rất đáng lo ngại. Dơi là loài “chính yếu”, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ phấn cho nhiều loại cây bản địa.
Ông Pope, cùng vợ mình, Megan Davidson, đã giải cứu và chăm sóc nhiều con dơi lạc đàn cho đến khi chúng đủ lớn để tìm về đàn.
Ông Pope cho biết những con dơi quạ sẽ gặp nhiều nguy hiểm nếu tiếp tục ở trong thành phố, như dây thép gai, lưới trên cây và đường dây điện. Ông hy vọng các vòi phun nước sẽ cứu được “một lượng lớn chúng” khỏi cái nóng khắc nghiệt.
Hệ thống phun nước được thiết kế để mô phỏng làn mưa nhẹ mà không làm tăng độ ẩm quá mức cần thiết. (Ảnh: New York Times).
Dơi quạ đầu xám là loài bản địa của Australia nhưng chúng đã bị di chuyển từ nơi khác đến Melbourne cách đây vài thập kỷ trước do môi trường sống đã bị hủy hoại.
Simon Toop, khi đó là giám đốc dự án của Bộ Môi trường và Bền vững, cho biết khi những con dơi lần đầu tiên xuất hiện trong Vườn Bách thảo Melbourne vào những năm 1990, tạo nên ấn tượng mới lạ cho du khách đến đây.
Nhưng khi số lượng dơi tăng lên và sự hiện diện của chúng bắt đầu gây khó chịu, chúng bị coi là loài gây hại, ông chia sẻ thêm.
Do không thể ra tay giết dơi - một loài dễ bị tổn thương đang cần được bảo vệ, chính quyền địa phương đã mở chiến dịch đầy tham vọng nhằm xua đuổi đàn dơi khỏi Vườn Bách thảo.
Một nhóm người, do ông Toop dẫn đầu, quấy phá đàn dơi bằng cách tạo ra những âm thanh mà loài vật này không thích, chẳng hạn như tiếng quét dọn đường phố, và chiếu đèn vào chúng.
Sau 2 tuần bị quấy nhiễu, đàn dơi rời khỏi Vườn Bách thảo. Trong tám tháng tiếp theo, chúng di chuyển từ khu vực đắc địa này sang khu vực lý tưởng khác, qua những vườn nhà tinh tươm, một trường nữ sinh tư thục, tới sân sau của những người Melbourne giàu có.
Ông Pope nói: "Nếu bạn không giúp đỡ chúng, sẽ chẳng còn ai có thể". (Ảnh: New York Times).
Bất cứ nơi nào có chúng, nhóm của ông Toop sẽ xuất hiện. Thậm chí, những con dơi quạ còn có vẻ nhận ra họ, ông nói.
“Chúng sẽ nhận ra tôi, la hét và ầm ĩ”, ông Toop nói. “Trong khi nếu những người khác đi ngang qua, chúng không tỏ ra quá lo lắng”.
Cuối cùng, đàn dơi di chuyển đến khu vực hiện tại, dọc theo con sông mà chính quyền hy vọng chúng sẽ định cư. Ông Toop cho hay những con dơi cái khi ấy sắp sinh con nên các quan chức địa phương đã cải thiện địa điểm cho phù hợp nhu cầu của chúng.
Hai thập kỷ trôi qua, vòi phun nước là nỗ lực mới nhất để hỗ trợ đàn dơi. Nhưng nước sẽ chỉ được phun khi có rủi ro thực sự - đặc biệt khi số ngày cực nóng đang dần tăng lên.
Tiến sĩ Van der Ree, nhà sinh thái học cho biết, trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, loài dơi sẽ cần phải thích nghi với tình trạng hiện nay.
“Thách thức là cần thiết từ góc độ tiến hóa. Lý tưởng nhất, những con dơi có thể điều tiết nhiệt lượng để tiếp tục sống và truyền lại dòng gen ấy, phát triển nhiều hơn những con không thể”, ông nói.