Hải quân Mỹ từng tiến hành thử nghiệm bí mật trên cá mập nhằm biến chúng thành những quả ngư lôi tự phát nổ khi bơi tới gần mục tiêu.
Theo International Business Times, sau Thế chiến II, Hải quân Mỹ dự định gắn những quả bom trên thân cá mập để cho phát nổ từ xa khi cần. Dự án bí mật này được nữ nhà văn Mary Roach phát hiện khi đang nghiên cứu về cá mập cho một cuốn sách dự kiến xuất bản vào tháng 9.
Roach không tìm thấy nhiều tài liệu về dự án do thông tin được chính phủ Mỹ bảo mật. Tuy nhiên, thông qua Michael Morisy, người sáng lập website MuckRock chuyên tìm kiếm các ghi chép, Roach lấy được báo cáo cuối cùng về dự án Headgear. Theo báo cáo, đây là một dự án bí mật kéo dài từ năm 1958 đến năm 1971, quy tụ các nhà sinh vật học và chuyên gia về vũ khí nhằm biến cá mập thành "ngư lôi sống" có thể phát nổ khi đến gần tàu địch.
Dự án biến cá mập thành vũ khí đánh bom tự sát của Hải quân Mỹ thất bại hoàn toàn. (Ảnh minh họa: Travelbag).
Trong bài viết đăng trên tạp chí khoa học Undark của Viện Công nghệ Massachusetts hôm 11/8, Roach cho hay những khối thuốc nổ được cột chặt vào cá mập. Chúng cũng mang một thiết bị chứa la bàn trên đầu và các điện cực ở vai, cho phép liên lạc với nhóm điều khiển ở tàu chiến.
Do các nhà khoa học chưa tìm ra cách điều khiển cá mập từ xa ở thời kỳ đó, thiết bị đeo đầu được lập trình để theo dõi con vật. Nếu con cá mập bơi chệch hướng, điện cực ở một bên vai sẽ phóng luồng điện từ 5 đến 25 volt, buộc nó bơi về hướng mục tiêu.
Đồng tác giả báo cáo Perry W Gilbert, chuyên gia về cá mập kiêm cựu giám đốc Phòng thí nghiệm Hải dương Mote, và kỹ sư hải dương James Marion, cho biết hải quân Mỹ lựa chọn cá mập thay vì cá heo bởi cá heo quá thông minh và khó tuân thủ mệnh lệnh.
Theo bản báo cáo, các thử nghiệm diễn ra với những con cá mập được tiến hành trong giai đoạn 1958 - 1967. Dù lúc đầu việc giật điện tỏ ra hiệu quả, những thử nghiệm sau đó trong bể bơi cho kết quả đáng thất vọng bởi những con cá mập không tuân thủ mệnh lệnh của người điều khiển.
Nếu tín hiệu điện truyền đến con cá mập quá yếu, nó sẽ phớt lờ. Nhưng nếu tín hiệu quá mạnh, con cá mập bắt đầu di chuyển hỗn loạn và không đổi hướng bơi như yêu cầu. Cuối cùng, không có con cá mập nào chịu bơi tiếp theo hướng mục tiêu trong thời gian lâu hơn nửa tiếng hoặc 3/4 hải lý. Một nghiên cứu khác chỉ ra cá mập không thích hợp với việc mang vật nặng và dự án được tuyên bố là thất bại.