Việt Nam là một trong 10 quốc gia có đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất trên thế giới với nhiều giống loài đặc thù và nguồn gen quý hiếm. Trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, các nhà khoa học đưa ra lời cảnh báo sâu sắc về chia sẻ công bằng lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn gen.
Thực tế đã từng có việc các hãng dược phẩm phương Tây thu được lợi nhuận hàng trăm triệu đô la Mỹ từ việc sử dụng chất reserpin phát hiện lần đầu tiên trong cây ba gạc ở Ấn Độ, nhưng đất nước này lại không hề được chia sẻ chút nào từ số tiền khổng lồ đó. Trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với chất quinin trong cây canhkina…
Trong khi đó, theo nguyên tắc thì lợi nhuận này phải được chia sẻ công bằng và một phần số tiền ấy phải được đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen các cây thuốc bản địa đó.
Theo GS Phạm Bình Quyền, Viện Môi trường và Phát triển bền vững, nguồn gen của Việt Nam chưa được kiểm kê đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ nên thời gian qua đã có không ít tổ chức, cá nhân mang danh nghĩa nghiên cứu khoa học du lịch lấy nguồn gen đó để kinh doanh, tiến hành lai tạo giống mới hoặc phục tráng giống của họ cho mục đích thương mại.
Tình trạng đáng cảnh báo là họ mang mẫu vật với số lượng ít ra khỏi biên giới như mang theo hành lý thông thường mà hải quan của ta chưa kiểm soát hết được hoặc chưa ý thức sâu sắc về vấn đề này.
Một “kênh” thất thoát khác là do trang thiết bị trong nước thiếu nên các nhà khoa học trong nước nhiều khi phải gửi mẫu vật ra nước ngoài để phân tích, định loại. Mẫu mang đi được sử dụng, lưu trữ thế nào lại không được thỏa thuận rõ ràng.
GS Quyền cho biết, rất nhiều loài mới ở Việt Nam lại do nước ngoài công bố; vật mẫu chuẩn của các loài mới cũng nằm ở bảo tàng nước ngoài! Ông còn lưu ý rằng, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngay cả những loài rất phổ biến, hiện không có giá trị cao cũng có thể mang lại lợi ích lớn trong tương lai.
Trong xu thế hội nhập, chúng ta không thể hạn chế sự tiếp cận nguồn gen nên các nhà khoa học khuyến cáo Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, đồng thời thực hiện tuyên truyền cho cộng đồng về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo vệ tài nguyên sinh học cho đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng.
ANH THƯ