Một chiếc máy bay trên cao có thể dùng đèn laser để quét hết một diện tích rộng lớn bên dưới và phát hiện được ngay chỗ nào đang chứa bom hoặc các loại hóa chất nguy hiểm và chất kích thích... Công nghệ này không mới nhưng một đột phá gần đây đã cho phép người ta có thể phát hiện chất nguy hiểm từ khoảng cách lên tới 1km chỉ với một lần bắn (đèn laser). Công trình nghiên cứu này vừa mới được công bố trên số mới nhất của tạp chí khoa học PNAS của Mỹ.
Một trong số nhiều tác giả của nghiên cứu này, Giáo sư Vladislav Yakovlev thuộc trường đại học Texas A&M cho biết, họ sử dụng một phương pháp gọi là "thuật phân tán Raman". Khi một tia laser được phóng vào vật thể, nó sẽ làm cho vật thể đó rung lên, tùy vào vật đó làm bằng chất gì thì mức độ rung của nó sẽ khác nhau. Tiếp theo là màu sắc của đèn laser cũng sẽ bị thay đổi một phần nhỏ, màu sắc này khi phóng vào những chất khác nhau sẽ không hề giống nhau.
Dựa vào hai dữ kiện đó, Giáo sư Vladislav nói người ta sẽ xác định được vật thể đó là gì ví dụ như Ammonium Nitrate hay Sodium Nitrate vốn là những chất hóa học được dùng để chế tạo bom. Ngoài ra người ta còn có thể phát hiện được cả các hóa chất nguy hiểm khác ví dụ như ma túy, chất kích thích.
Hiện nay, chi phí để xây dựng một hệ thống phát hiện bằng tia laser từ xa nói trên tốn khoảng 30.000 USD và các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai có thể giảm con số đó xuống một mức hợp lý hơn. Công nghệ này chắc chắn sẽ có nhiều hữu dụng trong lĩnh vực quân sự, quân đội và cả các ngành an ninh, chỉ cần dùng một chiếc máy bay là có thể do thám được cả một vùng diện tích rộng lớn để phát hiện bom hoặc ma túy. Tuy nhiên nó cũng tiềm tàng nguy hiểm vì đèn laser có thể gây hại cho đôi mắt của con người nếu không được trang bị kính bảo vệ.
Ngoài ra, vị Giáo sư này còn gợi ý về một triển vọng tiềm năng khác đó là phát hiện sự sống trên các hành tinh lạ, chỉ cần gắn hệ thống vào một vệ tinh và cho nó quét toàn bộ bề mặt của hành tinh đó để tìm kiếm các vật chất có khả năng tồn tại sự sống.