Thông qua các hình ảnh quét não, các nhà nghiên cứu tạo Đại học London nhận thấy rằng việc sử dụng cùng lúc smartphone, laptop và tablet có thể làm biến đổi cấu trúc của não bộ. Cụ thể, mật độ chất xám tại những vùng não nhất định của những người sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc sẽ thấp hơn so với người chỉ dùng 1 thiết bị trong 1 thời điểm. Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí tâm thần học PloS One số ra mới đây.
Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng việc sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị truyền thông sẽ làm giảm sự tập trung, sao lãng và thậm chí có liên quan tới trầm cảm hoặc tự kỷ. Và trong nghiên cứu mới đây, 2 nhà nghiên cứu từ Đại học London là Ryota Kanai và Kep Kee Loh đã dùng kỹ thuật quét não để nghiên cứu tác động của việc sử dụng nhiều phương tiện truyền thông cùng lúc đến hoạt động của các tế bào thần kinh.
Nhóm nghiên cứu đã chọn ra 75 người trưởng thành có độ tuổi trung bình là 25, sau đó cho trả lời một bản câu hỏi về thói quen sử dụng của họ đối với 10 dạng phương tiện truyền thông khác nhau: các ấn bản truyền thông, truyền hình, video trên máy tính, âm nhác, gọi điện bằng điện thoại di động, tin nhắn tức thời, tin nhắn văn bản, email, lướt web và các ứng dụng khác trên máy tính. Tiếp theo, 40 trong số các tình nguyện viên sẽ được quét não bằng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ chức năng fMRI (đo lường hoạt động của não bộ thông qua lưu lượng máu được vận chuyển).
Kết quả cho thấy, những người sử dụng càng nhiều thiết bị truyền thông cùng lúc thì mật độ chất xám trên vành đai vỏ não trước (ACC) sẽ thấp hơn so với người khác. Đây là trung khu điều chỉnh sự chú ý, nhận thức và các chức năng điều khiển cảm xúc của con người. Nhà nghiên cứu Loh cho biết: "Sử dụng đa phương tiện truyền thông cùng lúc đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống con người hiện nay. Hành động này có liên quan mật thiết đến khả năng nhận thức và khả năng điều chỉnh cảm xúc xã hội của con người. Đây là nghiên cứu đầu tiên đã chỉ ra mối liên hệ giữa hành động đó đối với cấu trúc não bộ".
Tuy nhiên, nghiên cứu trên vẫn chưa nêu ra được bản chất của hiệu ứng trên đối với não người và dù sao, đây vẫn chỉ là những phát hiện sơ khai ban đầu về một mối liên hệ. Nhà nghiên cứu Loh cũng thừa nhận, kết quả nghiên cứu trên vẫn chưa thật sự phổ quát, và sẽ cần có thêm nhiều nghiên cứu khác được thực hiện trong tương lai nhằm xác định rõ tác động của phương tiện truyền thông đối với cả thể chất lẫn tinh thần của con người.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.