Dùng phương pháp lai hữu tính để tạo giống hoa lan huệ mới

  •  
  • 3.334

Chọn tạo các giống hoa lan huệ bằng phương pháp lai hữu tính có thể tạo ra giống hoa có hình thức đẹp, đáp ứng như cầu của người yêu cây trồng.

Lai hữu tính để tạo giống hoa lan huệ mới

Công trình nghiên cứu của TS Phạm Thị Minh Phượng, khoa Nông học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cùng cộng sự chọn tạo giống hoa lan huệ bằng phương pháp lai hữu tính giữa nguồn gene bản địa và nhập nội.

Dùng phương pháp lai hữu tính để tạo giống hoa lan huệ mới
Phương pháp lai hữu tính giữa nguồn gene bản địa và nhập nội có thể tạo ra những giống hoa có hình dạng mới lạ, màu sắc phong phú. (Ảnh: Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Mục tiêu của nghiên cứu này là tạo ra các tổ hợp lai hoa lan huệ mới có màu sắc hoặc hình dạng khác biệt, tạo đà phát triển cho sản xuất trong nước. Trong điều kiện nuôi trồng ở Gia Lâm, Hà Nội, các cây lai đều có khả năng sinh trưởng tốt, biểu hiện ở chiều cao tăng dần đều, số lá trên củ nhiều, kích thước củ to.

Theo website của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kết quả lai cho ra những bông hoa đẹp, hình dạng mới lạ như hình tam giác, cánh bán kép 8-9 cánh mỗi bông, cánh hoa xếp cân đối, chiều cao mức trung bình phù hợp với sản xuất hoa trồng chậu ở Việt Nam. Màu sắc hoa phong phú, nhiều tông màu từ đỏ, hồng, cam đỏ, trắng viền hồng, có những loại hoa lai tỏa mùi thơm dịu mát.

Lan huệ (hay thường được gọi là hoa loa kèn) được trồng khá phổ biến và phân biệt chủ yếu dựa vào màu sắc hoa. Các giống hoa nhập nội có nhiều điểm vượt trội như hoa có nhiều hình dạng (cánh đơn, bán kép hoặc cánh kép), kích thước hoa đa dạng, màu sắc hoa phong phú (vàng, cam, đỏ cá hồi, đỏ thẫm, hoặc nhiều màu trên cánh hoa). Các giống hoa bản địa tuy đa dạng về số lượng nhưng còn có hạn chế về hình dáng và màu sắc, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Theo VnExpress
  • 3.334