Một nghiên cứu khoa học cho thấy sự đa dạng lớn của loài ếch ngày nay là kết quả từ vụ va chạm giữa Trái Đất với một tiểu hành tinh khiến loài khủng long tuyệt chủng.
Nghiên cứu mới cho thấy quần thể ếch đã bùng nổ sau sự kiện tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm. Điều này dường như mâu thuẫn với những bằng chứng trước đây cho thấy nguồn gốc cổ xưa của nhiều nhóm ếch chính.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science, khoảng 90% loài ếch ngày nay tiến hóa từ 3 loài ếch sống sót sau sự kiện này.
Ếch là một trong những nhóm động vật có xương sống đa dạng nhất với hơn 6.700 loài được phát hiện. Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu di truyền đã cản trở nỗ lực theo dõi tiến trình tiến hóa của chúng.
Ếch Hyla sanchiangensis ở miền đông Trung Quốc là hậu duệ của 1 trong 3 loài ếch đã vượt qua sự tuyệt chủng hàng loạt trên Trái Đất vào 66 triệu năm trước để phát triển trên toàn thế giới. (Ảnh: Peng Zhang).
Sự đa dạng hóa ấn tượng của ếch dường như đã xảy ra sau vụ va chạm giữa tiểu hành tinh với khu vực hiện là rìa bán đảo Yucatan ở Mexico.
Phát ra năng lượng nhiều hơn 1 tỷ lần so với một quả bom nguyên tử, vật thể ngoài hành tinh này đã quét sạch 3/4 sự sống trên Trái Đất. Tuy nhiên, nó dường như lại tạo ra bước tiến hóa cho loài ếch.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu 95 gene từ ADN của 156 loài ếch. Sau đó họ kết hợp dữ liệu này với thông tin di truyền từ 145 loài nữa để tạo ra "phả hệ" chi tiết của ếch dựa trên các mối quan hệ di truyền của chúng.
David Blackburn, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích trên BBC: "Ếch đã xuất hiện cách đây khoảng 200 triệu năm. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy chỉ đến khi khủng long tuyệt chủng, sự đa dạng hóa của loài ếch mới bùng nổ dẫn tới việc hình thành phần lớn các loài ếch mà chúng ta thấy ngày nay".
Tiến sĩ Blackburn cho biết tốc độ đa dạng hóa của ếch đa sau vụ va chạm cho thấy những loài sống sót có lẽ đã lấp đầy các khoảng trống sinh thái mà những loài khác bỏ lại.