Thiết bị tiết kiệm xăng cho ô-tô và xe máy "Made in Việt Nam" ra đời đúng lúc cơn sốt giá xăng dầu đang nóng bỏng. Hy vọng ECOMAX sẽ được nhiều khách hàng lắp đặt vào xe để tiết kiệm xăng cho cá nhân và cho xã hội.
Nguyên lý hoạt động
Tiến sĩ Trần Lê Hưng (Viện Khoa học Vật liệu, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia) kể rằng, năm 2000, một lần mày mò ở phố Huế để mua phụ tùng về lắp cho chiếc xe máy của mình, ông đã nhìn thấy một số sản phẩm tiết kiệm xăng của Mỹ và Nhật bày bán.
Trông qua hai loại sản phẩm này, ông đã nhận ra thiết bị được làm từ vật liệu NdFeB (NeodinsắtBo), một loại vật liệu từ cứng, hay còn gọi là nam châm vĩnh cửu.
Ông liền bỏ ra 800 nghìn đồng mua cả về tháo tung ra nghiên cứu và phát hiện thấy rằng: Về nguyên lý, khi xăng chảy qua thiết bị, từ trường do nam châm tạo ra sẽ tác động lên chuỗi hydrocarbone có trong nhiên liệu và tạo ra tần số dao động. Nếu tần số dao động của chuỗi hydrocarbone có trong nhiên liệu cộng hưởng với một trong những tần số dao động do từ trường tạo ra thì dao động sẽ được tăng cường. Khi cộng hưởng, các mạch của các chuỗi hydrocarbone sẽ rung mạnh làm cho chúng bị biến dạng, dãn ra. Điều đó làm thay đổi tính chất hóa lý của nhiên liệu, làm chúng dễ cháy hơn, cháy kiệt hơn dẫn đến hiệu quả giảm triệt để nhiên liệu thừa, vì vậy, tiết kiệm được nhiên liệu, nâng cao được hiệu suất động cơ và giảm lượng khí thải độc hại...
Tính năng của thiết bị trên là như vậy, nhưng giá thành nhập ngoại tương đối cao, không phù hợp túi tiền người dân. Nắm được điều đó và thấy được lợi ích lớn của thiết bị này nếu được nghiên cứu cải tiến phù hợp với thị trường trong nước, Tiến sĩ Trần Lê Hưng đã cùng các nhà khoa học của Viện Khoa học Vật liệu nghiên cứu đề tài "Ứng dụng vật liệu từ NdFeB từ hóa tiết kiệm xăng dầu và từ hóa nước chống cặn cho nồi hơi" do ông làm chủ nhiệm. Trải qua không ít thời gian và gian nan, sản phẩm đầu tay mang tên ECOMAX đã ra đời trong niềm vui lớn của toàn Viện.
Hiệu quả thiết thực
Để kiểm tra tính năng, tác dụng thiết bị, các nhà khoa học đã rất thận trọng, thử nghiệm nhiều lần, với nhiều loại xe. Ban đầu, thiết bị được thử nghiệm trong thời gian sáu tháng trên chiếc ô-tô Toyota Crown, dung tích xilanh 2.400cc, dùng xăng A92 không chì, chạy trên đoạn đường Bắc Thăng Long - Nội Bài với tốc độ trung bình 70 km/giờ. Qua thử nghiệm nhiều lần đều cho thấy, động cơ đã tiết kiệm được tới 16,2% lượng nhiên liệu so với khi chưa lắp thiết bị ECOMAX. Cũng với chiếc xe đó, các nhà khoa học thử nghiệm trên đường phố Hà Nội, lượng xăng tiết kiệm được là 8,1%.
Sản phẩm của các nhà khoa học cũng đã được thử nghiệm trên hàng loạt xe Honda Dream 100cc, chạy với tốc độ trung bình 50km/giờ. Các kết quả thử nghiệm cho thấy, khi thiết bị đạt hiệu quả nhất thì tiết kiệm được 14,5% nhiên liệu. Các cuộc thử nghiệm cho xe chạy trong thành phố tiết kiệm được 10,6%. Tất cả các chủ xe đều nhận xét rằng, khi lắp thiết bị này, động cơ chạy êm và khỏe hơn.
Ngoài thử nghiệm trên ô-tô, xe máy, thiết bị ECOMAX còn được thử nghiệm trên máy phát điện của Liên Xô AB - 10, động cơ xe UAZ cũ mới phục hồi. Kết quả cho thấy, lượng tiêu hao nhiên liệu của máy giảm 19,23% so với lúc không lắp thiết bị.
Công dụng của thiết bị ECOMAX tiết kiệm xăng cho ô-tô, xe máy và góp phần giảm ô nhiễm môi trường là rất rõ ràng. Có người tính toán rằng: Hiện tại, nước ta có khoảng 16 triệu xe gắn máy và 400 nghìn ô-tô chạy xăng. Nếu tất cả số xe trên đây lắp thiết bị tiết kiệm xăng ECOMAX và nếu tính trung bình mỗi xe máy tiết kiệm được 15.000 đồng/tháng, mỗi ô-tô tiết kiệm được 100.000 đồng/tháng thì mỗi tháng cả nước sẽ tiết kiệm được gần 80 tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Hưng, sắp tới, khi thiết bị được đưa ra thị trường, các nhà khoa học của Viện Khoa học Vật liệu sẽ hướng dẫn miễn phí cho thợ sửa xe ở các cửa hiệu cách lắp đặt có hiệu quả. Hiện tại, khách hàng nào cần lắp ngay thiết bị ECOMAX, hãy đến Viện Khoa học Vật liệu, số 18, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, để các nhà khoa học lắp đặt giúp và hướng dẫn cách điểu chỉnh garanti cho phù hợp, đạt hiệu quả tiết kiệm xăng cao nhất.