Sau những thành công tưng bừng tại châu Âu trong năm 2006, dịch vụ kinh doanh nhạc số eMusic lại đang chuẩn bị cho cuộc “đổ bộ” hoành tráng tiếp theo tại châu Á.
Khi khai trương dịch vụ tải nhạc số vào tháng 9 năm ngoái tại châu Âu, eMusic đã trở thành dịch vụ đầu tiên mở tại tất cả 27 quốc gia thành viên EU, “chiếm chỗ” của iTunes trong một số thị trường lớn như Anh và Đức.
Trong nỗ lực tìm kiếm mở rộng thị trường tiếp theo, doanh nghiệp có trụ sở tại New York (Mỹ) này đang muốn nhắm tới thị trường châu Á mà tiêu điểm chính là Nhật Bản.
Ông David Pakman, chủ tịch eMusic cho biết: “Mở rộng ra trường quốc tế luôn nằm trong kế hoạch hoạt động của chúng tôi. Châu Á là một thị trường hấp dẫn song cũng đầy thách thức”. EMusics tự tin tuyên bố họ hiện là nhà cung cấp nhạc số lớn thứ hai châu Âu mặc dù chưa có số liệu chính thức nào khẳng định điều này.
Hồi cuối tuần qua, khi trả lời báo giới, ông David Pakman tự hào nói: “Trong vòng 150 ngày kể từ lúc khai trương dịch vụ, chúng tôi đã bán được 4,5 triệu bài hát và không nghi ngờ gì nữa, điều đó đã giúp chúng tôi có được vị trí á quân trong lĩnh vực này. Nhìn chung theo chúng tôi, lượng khách ở châu Âu đông hơn ở Mỹ, từ đó có thể thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ nhạc số hợp pháp, tiện dụng sẽ có tiềm năng lớn”.
|
Nguồn: emusic.com |
Tại Mỹ, thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới, EMusic chỉ đứng sau iTunes và “vượt mặt” các thương hiệu nổi tiếng khác như Rhapsody, MSN Music, Napster,Yahoo.
EMusic tự tạo cho mình một “bản sắc riêng” trong thị trường cung cấp nhạc số, đó là các ca khúc của hãng có thể chơi trên bất cứ thiết bị nghe nhạc số nào, kể cả iPod. Trong khi đó nhạc của iTunes chỉ có thể chạy trên iPod chứ iPod không nghe được nhạc của các dịch vụ khác như Napster hay Rhapsody.
"Chơi khó" các đại gia âm nhạc
Chính sách khôn ngoan của EMusic trong việc tạo nên bản sắc riêng theo lối mở cửa đó đã khiến không hãng nào trong bốn đại gia âm nhạc Vivendi's Universal Music, Sony BMG, EMI Group và Warner Music đồng ý hợp tác cung cấp dịch vụ.
Pakman cho biết ông vẫn tiếp tục thương lượng với những gã khổng lồ nắm giữ 2/3 dung lượng nhạc toàn cầu này, nhưng nếu họ không chịu cung cấp nhạc định dạng MP3 thì hãng của ông cũng đành bó tay, không dùng nhạc của họ.
Để thay thế, eMusic đang tung ra khoảng 2 triệu bài hát của 13.000 thương hiệu độc lập khác với đủ thể loại: jazz, blue, cổ điển và nhiều loại khác, phục vụ khoảng 250.000 thuê bao của hãng.
Pakman không hề phàn nàn về điều này. Ông nói: “Ngày nay, các khách hàng kiểu cũ vốn rất thiệt thòi với hình thức bán lẻ mặc dù đây vẫn là phân khúc thị trường khá rôm rả. Những khách hàng kiểu đó vẫn có xu hướng chuộng những dịch vụ trái phép. Nhưng tốt hơn hết vẫn là tạo được lựa chọn đa dạng cho khách hàng và đáp ứng được thị hiếu của nhiều người hơn”.
Không chỉ bán nhạc và thu phí hàng tháng, eMusic còn có cả một đội ngũ 120 chuyên gia âm nhạc chuyên đưa ra lời khuyên, giúp khách hàng đánh giá và bình phẩm những bài hát. Ông chủ tịch EMusic nói: “Chúng tôi có hai triệu catolog bài hát và bán được trên hai phần phần ba số đó hàng quý”.
Hiện tại, cái đích mà EMusic đang hướng tới chính là châu Á. Theo một báo cáo công bố cuối tuần qua của IFPI, Nhật Bản là thị trường đầu tiên có doanh thu nhạc số đủ để bù đắp cho mức sụt giảm trong mức thu từ đĩa CD.
Nhưng theo ông Pakman, có tới 70% bài hát bán tại đất nước mặt trời mọc là âm nhạc truyền thống bản địa, do đó cần phải đăng ký bản quyền trước khi tung ra dịch vụ. Để làm được điều đó, các chuyên gia âm nhạc cần phải đăng ký với một công ty Nhật Bản và quá trình chuẩn bị có thể sẽ mất vài năm.
Đỗ Dương