Gây tai biến, do đâu?

  •  
  • 219

Tác dụng phụ thông thường của văcxin ra sao? Những yếu tố nào có thể tác động làm ảnh hưởng đến chất lượng văcxin và gây tai biến sau chích ngừa?

Phản ứng phụ nhẹ

Niềm vui của bác sĩ điều trị khi một trong hai bé vượt qua cơn nguy kịch (Ảnh: VNE)
TS.BS Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết khi có phản ứng không thuận lợi xảy ra sau khi được tiêm chủng thì nguyên nhân có khả năng thuộc một trong hai nhóm: do văcxin hoặc có khiếm khuyết trong qui trình tiêm chủng.

Cũng theo TS Tịnh Hiền, không có một sinh phẩm hay dược phẩm nào được sản xuất có độ an toàn tuyệt đối 100% và có hiệu quả 100%. Cố gắng sản xuất văcxin có độ an toàn tuyệt đối thì có khả năng làm giảm hiệu lực của văcxin đó.

Hiện nay với công nghệ hiện có, các nhà sản xuất văcxin cố gắng sản xuất các chế phẩm có độ an toàn và hiệu lực cao nhất. Tuy nhiên, những phản ứng ngoại ý hiếm thấy vẫn luôn xảy ra. Những phản ứng phụ nhẹ thường gặp của một số văcxin có thể gặp là phản ứng tại chỗ (đau, sưng, đỏ), sốt, khó chịu, bứt rứt, có khi tiêu chảy, nhức đầu.

Các phản ứng tại chỗ thường xảy ra khoảng 1-2 ngày sau khi tiêm chủng, ngoại trừ sốt và các triệu chứng toàn thân khi tiêm chủng văcxin sởi, hay sởi - quai bị - rubella xảy ra từ 5-12 ngày sau.

Một văcxin được xem là tốt khi có ít các phản ứng phụ và hiệu lực cao. Các phản ứng tại chỗ như đau nhức, phù nề hay viêm đỏ tại vị trí tiêm thường xảy ra khoảng 10% người được tiêm chủng. Sốt cũng xảy ra với tỉ lệ khoảng 10% hay ít hơn. Văcxin bạch hầu - ho gà - uốn ván có tỉ lệ phản ứng phụ cao hơn, có thể đến 50% người được tiêm.

Sai sót khi tiêm chủng

Theo TS Tịnh Hiền, các sai sót khi thực hiện tiêm chủng cũng có thể xảy ra và có thể gây phản ứng trầm trọng.

Cụ thể, nếu tiêm không đúng kỹ thuật vô trùng, như: sử dụng lại bơm, kim tiêm; khử khuẩn bơm, kim tiêm không đúng; văcxin bị nhiễm khuẩn, thì có thể xảy ra áp xe chỗ chích, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm độc, tử vong, làm lây lan viêm gan siêu vi, HIV. Nếu sai sót khi chuẩn bị văcxin: không lắc đều văcxin, dùng dung dịch pha không đúng, sử dụng lại dung dịch pha, có thể làm áp xe tại chỗ, làm mất hiệu lực văcxin, tử vong.

Với sai sót khi chọn vị trí tiêm, như BCG tiêm dưới da, DPT tiêm quá nông, tiêm vào mông, có thể gây phản ứng hay áp xe. Nếu sai sót trong vận chuyển: văcxin mất hiệu lực. Còn nếu không tôn trọng chống chỉ định, có thể gặp các phản ứng trầm trọng.

Các phản ứng không mong muốn thường nhẹ và có thể điều trị được dễ dàng, không để lại di chứng. Còn phản ứng trầm trọng xảy ra với tỉ lệ rất thấp (1/1.000.000).

Bảo quản sai

Dược sĩ Đỗ Tường Phước - giám đốc khoa học Công ty Sanofi Pasteur VN - cho biết thêm: theo qui định, văcxin thông thường cũng phải được bảo quản tồn trữ ở đúng nhiệt độ 2-80C. Song cũng có loại đặc biệt như văcxin bại liệt phải bảo quản ở -200C. Đây là qui định bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Nếu văcxin lỡ nằm ngoài nhiệt độ bảo quản cho phép, khuyến cáo của WHO là phải đem văcxin đi kiểm nghiệm chất lượng lại. Nếu còn hiệu quả thì sử dụng ngay càng sớm càng tốt. Nếu không đảm bảo chất lượng thì phải hủy bỏ đúng qui định.

Khi văcxin bị đóng băng sẽ tạo kết tủa, khi lấy ra tiêm có thể gây sưng phù, áp xe vùng tiêm. Nếu văcxin bị để nóng hơn nhiệt độ cho phép, có thể trong một hoàn cảnh đặc biệt, với loại văcxin “sống” thay vì virus chết, nó sẽ được sưởi ấm và sống trở lại. Khi đó nó có thể biến thành một con virus gây độc trở lại cho cơ thể.                  

LÊ THANH HÀ

Tai biến: nhiều hơn 1 phần triệu?

Theo Công ty GlaxoSmithKline thì văcxin Priorix™ nói chung là an toàn và đã được sử dụng trên hàng triệu trẻ em trên thế giới. Điều này đúng, nhưng ở đây tôi muốn lưu ý rằng những phản ứng có tác hại của văcxin tương tự do Công ty Merck sản xuất đã từng được báo cáo trong y văn, và tỉ lệ phản ứng có tác hại không phải thấp hơn 1 phần triệu trường hợp tiêm chủng như có người nhận xét.

Theo một nghiên cứu dịch tễ học công bố vào năm 2000, trong 1,8 triệu người được tiêm văcxin, có 437 trường hợp báo cáo hiệu ứng tác hại của văcxin, và trong đó có 137 trường hợp được xem là có nguy hiểm đến mạng sống do văcxin gây ra.

Trong số này có một bé trai 13 tháng tuổi chết sau khi được tiêm văcxin đúng tám ngày. Trường hợp tử vong này chưa rõ nguyên nhân, nhưng có thể không liên quan đến văcxin. Phần còn lại là những tác hại được xem là nguy hiểm như suyễn, động kinh, viêm màng não, viêm phổi...

Trong nghiên cứu trên, ngoài các trường hợp “nguy hiểm” đó, còn có nhiều phản ứng phụ nhưng nhẹ như sốt (180 ca), ngoại ban (132 ca), bệnh hạch máu trắng (lymphadenopathy, 69 ca), viêm mũi (37 ca)... Phần lớn trường hợp bị phản ứng văcxin xảy ra trong hai thời điểm: trong vòng 24 giờ, hay sau 7-10 ngày sau khi tiêm.

GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney, Úc (ykhoa.net)

Theo Tuổi trẻ
  • 219