Ghi hình thành công sứa ma khổng lồ ở vùng biển gần châu Nam Cực

  •  
  • 473

Nhóm nghiên cứu trên tàu thám hiểm Viking Octantis bắt gặp sứa ma khổng lồ, loài vật quý hiếm có thể dài tới 10m.

Sứa ma khổng lồ ở độ sâu 280 m, gần đảo Anvers, châu Nam Cực.
Sứa ma khổng lồ ở độ sâu 280m, gần đảo Anvers, châu Nam Cực. (Ảnh: Mark Niesink)

Đoàn thám hiểm Viking bắt gặp sứa ma khổng lồ (Stygiomedusa gigantean) trong chuyến thám hiểm vùng biển gần Bán đảo Nam Cực đầu năm ngoái, IFL Science hôm 16/2 đưa tin. Những quan sát về con vật được trình bày trong nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Polar Research của Viện Địa cực Na Uy.

Nghiên cứu cũng nhận xét về những cơ hội mới mà các tàu lặn cá nhân, giống như loại trang bị trên tàu thám hiểm Viking Octantis, mang lại cho hoạt động nghiên cứu sinh học. "Qua đây, chúng tôi chứng minh rằng tàu lặn cá nhân - phương tiện đang ngày càng phổ biến trong lĩnh vực thám hiểm - có thể mang đến nhiều cơ hội cho nghiên cứu sinh học ở các vùng cực", nhóm nghiên cứu cho biết.

"Chúng tôi trình bày những quan sát trực tiếp về loài sứa hiếm gặp Stygiomedusa gigantean ở độ sâu 80 - 280 m, trong vùng biển gần Bán đảo Nam Cực, như một ví dụ về tiềm năng của tàu lặn cá nhân đối với cộng đồng khoa học", các chuyên gia viết trong nghiên cứu.

 Sứa ma khổng lồ ở độ sâu 87m, gần đảo Rongé, châu Nam Cực.
Sứa ma khổng lồ ở độ sâu 87m, gần đảo Rongé, châu Nam Cực. (Ảnh: Antony Gilbert)

Giống như tên gọi, sứa ma khổng lồ có thể dài tới 10m. Chiếc chuông khổng lồ (phần phình ra ở trên cùng) có thể rộng tới 1m, kéo theo 4 cánh tay miệng để kiếm ăn. Chúng hiện diện ở các đại dương trên khắp thế giới, trừ Bắc Băng Dương.

Tuy nhiên, kể từ khi sứa ma khổng lồ được đặt tên vào năm 1910, thế giới mới chỉ ghi nhận 126 lần chạm trán với loài vật này. Chúng được cho là hoạt động từ mặt nước xuống tới độ sâu 6.665 m, ăn sinh vật phù du và các loài cá nhỏ.

Cập nhật: 22/02/2023 VnExpress
  • 473