Vào năm 2030, giá của một số loại lương thực chính sẽ tăng hơn 2 lần so với hiện nay nếu các nhà lãnh đạo thế giới không cải cách hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu, tổ chức hỗ trợ nhân đạo Oxfam khuyến cáo.
Hạn hán là một trong những nguyên nhân khiến giá lương thực tăng. Ảnh: Getty Images.
Hiện tại, khoảng 900 triệu người trên thế giới đang sống trong cái đói. Tổ chức hỗ trợ nhân đạo Oxfam cảnh báo, thêm hàng triệu người nữa có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu lương thực trong vòng hai thập kỷ tới. Nguyên nhân được cho là do tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, thời tiết khắc nghiệt và giá năng lượng tăng.
Vào năm 2050, dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng thêm 1/3 so với hiện nay, từ 6,9 tỷ người lên 9,1 tỷ người. Điều này đồng nghĩa nhu cầu về lượng thực cũng phải tăng lên ít nhất 70%. Tuy nhiên, nạn hạn hán, lũ lụt và bão do hiện tượng biến đổi khí hậu đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực của thế giới.
Giá hiện tại của các loại lương thực chính như ngũ cốc đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Các chuyên gia của tổ chức Oxfam dự đoán, giá của lương thực sẽ tăng hơn 2 lần so với hiện nay trong vòng 20 năm tới.
Tờ Daily Mail dẫn lời Jeremy Hobbs, giám đốc của tổ chức Oxfam, cho biết: “Một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực mới đang tới gần vì khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt, trong khi diện tích đất trồng màu mỡ và nước sạch ngày càng khan hiếm”.
Để giúp thế giới tránh khỏi một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực mới đang cận kề, các nhà khoa học của tổ chức Oxfam đã đưa ra giải pháp bao gồm tiết kiệm nguồn nước sạch, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và hỗ trợ sử dụng nhiên liệu sinh học ở các nước phát triển, thành lập một ngân hàng lương thực đa quốc gia.