Giải mã ngôi sao bí ẩn to gấp ba mặt trời

  •   32
  • 3.836

Các nhà thiên văn hôm qua tuyên bố họ vừa tìm ra bí mật của một ngôi sao từng thu hút sự chú ý của giới yêu thiên văn trong gần 200 năm qua. 

 

Hình minh họa đám mây bụi khí che một phần ánh sáng của sao Epsilon Aurigae. Ảnh: National Geographic.


AFP cho biết, sao Epsilon Aurigae nằm ở chòm sao Auriga và cách trái đất khoảng 2.000 năm ánh sáng. Trong chòm sao này Epsilon Aurigae là một trong những thiên thể sáng nhất. Nhưng vào khoảng năm 1820 giới thiên văn phát hiện ra rằng, cứ sau 27,1 năm độ sáng của nó lại giảm một nửa trong vòng 18 tháng.

Hiện tượng kỳ lạ ấy trở thành chủ đề gây tranh cãi trong suốt gần hai thế kỷ qua. Một số người cho rằng thủ phạm là hiện tượng thiên thực, nghĩa là một thiên thể nào đó di chuyển vào giữa Epsilon Aurigae và trái đất theo chu kỳ 27,1 năm khiến người trên trái đất thấy độ sáng của sao giảm. Thiên thể chắn Epsilon Aurigae có thể là hành tinh, đám mây bụi khí, ngôi sao hoặc thậm chí tinh vân. Một giả thuyết nữa cũng được chú ý là một hố đen đã “nuốt” ánh sáng của sao.

Cuộc tranh cãi càng trở nên sôi động hơn sau khi người ta phát hiện Epsilon Aurigae cùng với một sao khác tạo thành hệ sao đôi. Những cặp sao như thế luôn xoay quanh nhau. Các nhà thiên văn chưa bao giờ nhìn thấy cả hai sao này cùng lúc.

Trong phần lớn thế kỷ 20, giới khoa học chấp nhận giả thuyết cho rằng một thiên thể cực lạnh và có hình dạng dẹt đã chắn ánh sáng của Epsilon Aurigae.

Hiện tượng thiên thực của sao Epsilon Aurigae, kéo dài từ năm 2009 tới năm 2011, là một trong những chủ đề trọng tâm của Năm Thiên văn quốc tế 2009.

National Geographic đưa tin Robert Stencel – một nhà thiên văn của Đại học Denver, Mỹ - cùng một số đồng nghiệp đã chụp ảnh sao Epsilon Aurigae bằng 4 kính thiên văn lớn (có đường kính 1 m) của Đại học Georgia, Mỹ. Sau đó ánh sáng hồng ngoại của nó được khuếch đại bằng phương pháp giao thoa để tạo nên hình ảnh độ nét cao.

Những bức ảnh, được đăng trên tạp chí Nature hôm nay, cho thấy thủ phạm khiến độ sáng của sao Epsilon Aurigae giảm là một đĩa bụi khí dày và tối. Khi di chuyển vào giữa Epsilon Aurigae và địa cầu, đĩa bụi khí này chặn một phần ánh sáng của sao khiến độ sáng của nó giảm.

Những đám mây bụi khí là vật liệu cơ bản của vũ trụ. Chúng tạo nên các hành tinh, ngôi sao và thiên hà.

Giáo sư John Monnier của Đại học Michigan tại Mỹ, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nhận xét: “Những bức ảnh về sao Epsilon Aurigae là một thành tựu kỹ thuật lớn. Chúng cho thấy con người có thể tạo ra hình ảnh rõ nét của những vật thể rất xa”.

Chùm ảnh về sao Epsilon Aurigae:

Epsilon Aurigae đạt độ sáng cực đại vào năm 2008. Những dữ liệu mới nhất cho thấy ngôi sao này lớn hơn mặt trời khoảng 3,5 lần. Ảnh: John D. Monnier.

Đĩa bụi khí bắt đầu che khuất Epsilon Aurigae. Các nhà khoa học cho rằng đám mây có diện tích lớn gấp hàng nghìn lần mặt trời. Ảnh: John D. Monnier.

Khoảng 50% bề mặt ngôi sao bị che khuất.

Hình minh họa đĩa bụi khí che khuất sao Epsilon Aurigae. Ảnh: Nico Camargo.

Theo VnExpress
  • 32
  • 3.836