Người Mỹ lại một lần nữa chứng tỏ sự thống trị gần như tuyệt đối trong lĩnh vực kinh tế học tại các kỳ trao giải Nobel. Hôm qua, Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển tuyên bố giải thưởng Nobel kinh tế năm 2007 thuộc về ba nhà nghiên cứu đều mang quốc tịch Mỹ Leonid Hurwicz, Eric Maskin và Roger Myerson.
Trên website nobel.org, hội đồng trao giải cho biết ba nhà nghiên cứu đã xây dựng nên nền tảng của "lý thuyết thiết kế cơ chế", học thuyết giúp xác định thời điểm thị trường hoạt động hiệu quả. Đây được đánh giá là lý thuyết đóng vai trò trung tâm trong ngành kinh tế học đương đại và khoa học chính trị.
Hãng tin AP cho biết từ năm 1960, ba nhà nghiên cứu, khởi đầu từ ông Hurwicz, đã nghiên cứu vận dụng lý thuyết trò chơi cùng xác suất và thống kê để giúp xác định phương pháp phân phối nguồn lực hiệu quả nhất. "Lý thuyết thiết kế cơ chế đã nâng cao tầm hiểu biết của chúng ta về các cơ chế phân phối nguồn lực tối ưu" - Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển khẳng định. Nghiên cứu của họ đã giúp các nhà kinh tế học, chính quyền và doanh nghiệp "phân biệt những tình huống trong đó thị trường hoạt động hiệu quả và những tình huống ngược lại".
Theo Hãng tin Reuters, ở tuổi 90, nhà nghiên cứu Hurwicz đã trở thành người đoạt giải Nobel cao tuổi nhất từ trước đến nay. Ông là người gốc Nga, sinh tại Matxcơva và được phong hàm giáo sư danh dự ĐH Minnesota. "Tôi không hề trông đợi vinh dự này - ông Hurwicz tâm sự khi biết tin mình đoạt giải - Đã nhiều lần người ta từng nói tôi nằm trong danh sách ứng cử viên, nhưng thời gian cứ trôi qua. Tôi tưởng rằng mình sẽ không thể đoạt giải bởi những người quen thuộc với lý thuyết của tôi dần qua đời".
Ông Maskin, 57 tuổi, là giáo sư Viện Nghiên cứu cao cấp tại Princeton (New Jersey), còn ông Myerson, 56 tuổi, là giáo sư ĐH Chicago. Cả hai đều nhận bằng tiến sĩ toán học ĐH Harvard vào năm 1976. Ông Maskin khẳng định lấy làm vui mừng khi biết ông Hurwicz đoạt giải và "vô cùng vinh dự khi được chia sẻ giải thưởng với ông ấy (Hurwicz) và ông Myerson".
Đây là lần thứ 29 các nhà nghiên cứu Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế kể từ khi giải thưởng này được trao lần đầu vào năm 1969, một ưu thế không quốc gia nào sánh kịp. Tổng cộng đã có tới 39 người Mỹ giành vinh dự lớn lao này.
HIẾU TRUNG