Thu hồi kim loại quý từ chất thải công nghiệp mạ

  •  
  • 1.968

Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện Đề tài "Nghiên cứu công nghệ xử lý và tái sử dụng bã thải rắn trong công nghiệp mạ Crôm, Niken" nhằm tái chế thu hồi các kim loại quý như Ni, Cr trong chất thải công nghiệp.

Tuy mới bắt đầu triển khai hơn một năm, song đề tài đã thu được một số kết quả rất tích cực. Sản phẩm Ni thu hồi từ rác thải của ngành công nghiệp mạ do Viện sản xuất đã được nhiều khách hàng tín nhiệm tìm đến mua.

Khi tôi đến, Ts. Phạm Đức Thắng - chủ nhiệm đề tài không giấu niềm tự hào đã vui vẻ giới thiệu những sản phẩm thu hồi từ chất thải mạ như tấm niken, niken đồng xu phục vụ mạ siêu nhanh, muối Niken sunphát có chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của ngành mạ kim loại.

Trong công nghiệp mạ, còn có một lượng đáng kể chất thải công nghiệp độc hại sau mạ đi kèm. Cách xử lý chất thải mạ thông dụng hiện nay ở Việt Nam là chôn lấp dưới đất. Giải pháp này chưa phải là hợp lý vì nó vẫn có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm với các hóa chất vô cơ, các ion kim loại như ion sắt, ion Crôm 6+... có thể gây ra các bệnh ung thư, nhiễm độc thần kinh... đồng thời còn bỏ phí một lượng đáng kể kim loại quý như Ni, Cr.

Để có được những sản phẩm tái chế trên, ông Thắng và anh em trong Viện khoa học Vật liệu đã phải mất nhiều tháng trời mày mò nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và tiến hành sản xuất thử nghiệm nhiều lần trong xưởng thực nghiệm, nhiều lúc tưởng chừng bó tay vì có quá nhiều vấn đề hóc búa nảy sinh. Cuối cùng, những giọt mồ hôi cùng nhiều đêm lao tâm khổ tứ với nhiều lần bị nhiễm độc hóa chất cũng được đền đáp. Nhóm các nhà khoa học đã tìm ra được phương pháp để loại bỏ các tạp chất ra khỏi dung dịch niken sunphát thu hồi để làm nguyên liệu cơ sở cung cấp trực tiếp cho quá trình điện phân, đặc biệt họ đã ổn định được công nghệ xử lý chất thải với thành phần và hàm lượng tạp chất biến động rất lớn ở đầu vào và trong quá trình sản xuất để chất lượng đầu ra luôn đồng đều trong sản xuất thực tế. Sản phẩm niken do Viện chế tạo có thể đạt chất lỏng cao tới 99,9% và khi đưa vào sản xuất đại trà luôn đạt chất lượng ổn định từ mức 99,5% trở lên.

Ông Thắng cũng cho biết, hiện nay, nguồn cung cấp chủ yếu chất thải công nghiệp mạ cho đề tài là từ Công ty sản xuất phụ tùng ô-tô xe máy Goshi - Thăng Long với dây chuyền mạ vào loại lớn nhất Đông - Nam Á với lượng chất thải hằng năm lên đến hàng trăm tấn. Thông thường trong nguồn bã thải mạ có chứa từ 3-5% Ni khi ở dạng bã thải tươi, nếu để khô thì hàm lượng Ni có trong chất thải lên tới 10-20%. Như vậy, chỉ riêng lượng bã thải của một Công ty Goshi - Thăng Long đã cho phép chúng ta thu hồi được hàng chục tấn Ni mỗi năm với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng tạo thêm được công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, tái chế rác thải cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí xử lý.

Trước đây Công ty Goshi - Thăng Long phải chi trên 1,5 triệu đồng cho việc xử lý chôn lấp 1 tấn chất thải, nay nắm bắt được lợi ích nhiều mặt của việc tái chế bã thải, Công ty đã mạnh dạn đi tiên phong trong việc liên kết với các nhà khoa học được nhà nước đào tạo đầy đủ nhằm giải quyết triệt để vấn đề này. Hiện tại Công ty đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho đề tài được tiến hành và kết thúc thắng lợi, đạt hiệu quả cao và có lợi nhiều mặt cho các bên tham gia.

Hiện nay nguồn cung cấp Ni cho sản xuất trong nước chủ yếu là nhập khẩu. Do trữ lượng Ni từ các mỏ khai thác của thế giới ngày cạn kiệt nên giá Ni liên tục tăng, hiện tại sàn giao dịch chứng khoán London, 1kg Ni đã vượt 35USD và giá trong nước luôn giao động ở mức 550 đến 600 nghìn đồng/1kg.

Nhận định về sản phẩm Ni thu hồi, ông Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty thương mại Hoàng Anh là khách hàng thường xuyên của Viện cho biết, niken do Viện Khoa học Vật liệu sản xuất có chất lượng ngang ngửa với nước ngoài, đáp ứng được yêu cầu của ngành luyện kim và mạ nhưng giá thấp hơn 20-25% so với giá nhập khẩu và được các doanh nghiệp trong nước tín nhiệm.

Mặc dù vậy, Ts. Thắng vẫn khiêm tốn nói, đây mới chỉ là những thành công bước đầu là thu hồi Ni trong chất thải, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ cố gắng tiếp tục hoàn thiện công nghệ và hướng tới một giải pháp hoàn thiện hơn nhằm thu hồi các kim loại quý và loại bỏ các yếu tố độc hại khỏi chất thải mạ, kết quả còn lại sau xử lý sẽ là những chất thải chỉ chứa các tạp chất phi kim dễ xử lý bằng các biện pháp thông thường như đốt, chôn lấp mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.

Theo khoa học và phát triển, Nhân dân
  • 1.968