Giải oan cho máy gia tốc hạt lớn

  •  
  • 5.474

Hồi bé, bạn đã bao giờ thử cho 2 chiếc xe đồ chơi đâm vào nhau để xem chuyện gì xảy ra chưa? Nếu có thì bạn đã hiểu được phần nào nguyên tắc hoạt động cơ bản của máy gia tốc hạt lớn (LHC).

LHC là một đường hầm dài 27km được Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (gọi tắt là CERN) xây dựng ở ngoại ô Thụy Sỹ. Nhiệm vụ của nó là tạo ra những vụ va chạm giữa 2 chùm hạt đang chuyển động với vận tốc ánh sáng. Các dữ liệu thu được sau va chạm sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm ra cấu trúc cũng như nguồn gốc của vũ trụ.

Vì mang một trọng trách đặc biệt như vậy nên LHC cũng không tránh khỏi những chỉ trích và lo ngại về tính an toàn của nó.

CERN đang tạo ra một quả bom phản vật chất?

Ai đã từng đọc hoặc xem bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết “Thiên thần và ác quỷ” của Dan Brown đều biết cốt truyện xoay quanh việc đánh cắp một quả bom phản vật chất từ CERN nhằm âm mưu xóa sổ Vatican. Hẳn bạn sẽ lo lắng tình tiết này có bao nhiêu phần trăm khả năng xảy ra trong thực tế? Nó mắc một số sai lầm liên quan đến chức năng sử dụng của phản vật chất, vừa là nguồn năng lượng vừa là một vũ khí.

Đúng là khi phản vật chất tiếp xúc với vật chất thông thường, cả 2 sẽ triệt tiêu nhau và phóng thích năng lượng. Nhưng CERN đã khẳng định rằng, năng lượng này vô cùng nhỏ, nhỏ đến mức gần như không tồn tại. Các nhà khoa học chỉ thu lại được 1 phần tỷ của mức năng lượng mà họ đã đầu tư cho vụ va chạm khi phản vật chất đụng độ “đối thủ” của nó. Và với lo ngại về khả năng chế tạo một quả bom phản vật chất, CERN cho biết, nếu với công nghệ và tiến độ làm việc hiện tại, họ phải mất hàng tỷ năm nữa mới sản xuất được lượng phản vật chất đủ để gây ra một nổ tương đương một vụ nổ bom hạt nhân.

Việc tái tạo lỗ đen sẽ hủy diệt Trái đất?

Khi các nhà khoa học ở CERN cho biết họ có thể tạo ra các lỗ đen có kích thước cực nhỏ giữa các vụ va chạm hạt, thì nhiều người đã lo lắng đến khả năng lỗ đen này sẽ nuốt chửng Trái đất trong nháy mắt. Theo thuyết tương đối của Einstein, thực sự có một vài khả năng cho việc tái tạo lỗ đen, tuy nhiên tin vui kèm theo là những lỗ đen siêu nhỏ này sẽ biến mất gần như ngay lập tức sau khi hình thành. Còn nếu nó có nấn ná ở lại lâu hơn thì với kích cỡ siêu nhỏ đó phải mất nhiều tỷ năm nó mới nuốt hết một hạt cát bé xíu.

Điều này cũng có nghĩa là không có chuyện LHC sẽ hủy diệt Trái đất.

Vật chất lạ xóa sổ cả vũ trụ?

Trong vài năm gần đây, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Brookhaven, New York, đã tạo ra được vật chất lạ ở nhiệt độ cao chưa từng có trên Trái đất. Các lý thuyết về vật chất lạ nói rằng nó nặng hơn chì gấp 10 triệu lần và được sinh ra trong vụ nổ Big Bang. Từ kết quả này, người ta lo ngại rằng LHC có thể vô tình tạo ra những hạt vật chất lạ rất nhỏ, để rồi ngay lập tức sau đó những hạt này sẽ chuyển đổi các vật chất thông thường ở xung quanh nó thành những vật chất lạ khác, và chỉ mất 1 phần tỷ giây để dây chuyền chuyển hóa này làm biến đổi toàn bộ hành tinh.

Tuy nhiên các giả thiết về vật chất lạ vẫn chỉ là suy đoán, vì vậy hoàn toàn chưa có cơ sở thực tế để cho rằng LHC sẽ hủy hoại hành tinh này.

Theo Vietnamnet, Discovery
  • 5.474