Để trở thành một phi hành gia của NASA phải trải qua rất nhiều giai đoạn tuyển chọn khắt khe, nhưng ngay cả khi được chọn cũng không có gì đảm bảo là bạn có thể được bay vào không gian.
Trở thành một phi hành gia là cam kết to lớn với tất cả mọi người. Các ứng viên phi hành gia - những người có nguyện vọng thường được chọn ở độ tuổi 30 và 40 buộc rời bỏ sự nghiệp danh giá của mình để có cơ hội bay vào không gian kể cả khi cơ hội rất mong manh.
Hàng năm số lượng các ứng viên tham gia chương trình nghiên cứu không gian của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) là hơn 18.000 người, và không phải ai cũng có thể vượt qua vòng tuyển chọn.
NASA có những yêu cầu khắt khe để chọn một người trở thành một phi hành gia. Công việc này không chỉ cần thể chất tốt nhất mà còn đòi hỏi các kỹ năng, kỹ thuật để đảm nhận những công việc khó khăn trên tàu vũ trụ hoặc trên một trạm vũ trụ.
Yêu cầu cơ bản của NASA là bằng cử nhân về kỹ thuật, khoa học sinh học, khoa học vật lý, khoa học máy tính hoặc toán học, sau đó là ba năm kinh nghiệm chuyên môn (hoặc 1.000 giờ chỉ huy phi công trên máy bay phản lực).
Quá trình lựa chọn phi hành gia của NASA khá khắt khe, chỉ vài chục người được lựa chọn từ hàng ngàn hồ sơ ứng viên. (Ảnh: NASA)
Các ứng viên cũng phải vượt qua kỳ kiểm tra thể chất phi hành gia của NASA. Tuy nhiên, nhiều kỹ năng khác để lựa chọn, chẳng hạn như lặn biển, trải nghiệm nơi hoang dã, kinh nghiệm lãnh đạo và khả năng sử dụng các ngôn ngữ khác nhau (đặc biệt là tiếng Nga, ngôn ngữ mà tất cả các phi hành gia ngày nay đều phải học).
NASA đã tổ chức 22 khóa đào tạo phi hành gia kể từ nhóm phi hành gia đầu tiên vào năm 1959 được chọn cho Chương trình Sao Thủy. Chương trình không gian của Mỹ đã phát triển và thay đổi đáng kể kể từ thời điểm đó.
Một số lớp phi hành gia đầu tiên chủ yếu được tuyển chọn từ quân đội, đặc biệt là các phi công thử nghiệm - một nhóm được coi là sẵn sàng đối phó với những nguy cơ cực độ trong không gian. Nhưng khi chương trình của NASA phát triển, họ cần có nhiều bộ kỹ năng đa dạng hơn.
Các lớp phi hành gia đáng chú ý bao gồm lớp phi hành gia thứ tư (năm 1969), được gọi là "Các nhà khoa học" bao gồm Harrison J. Schmitt, nhà địa chất học duy nhất từng đi bộ trên mặt trăng (nhiệm vụ Apollo 17), lớp thứ tám năm 1978 (bao gồm các ứng viên nữ, người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Á), lớp thứ 16 năm 1996 (lớp lớn nhất, với 44 thành viên được chọn cho các chuyến bay để xây dựng Trạm vũ trụ quốc tế) và lớp thứ 21 vào năm 2013 (lớp đầu tiên có tỷ lệ phân chia giới tính 50/50).
Hiện nay, các phi hành gia Mỹ có nhiều lựa chọn hơn cho các sứ mệnh ngoài không gian, không chỉ bay trên các tàu vũ trụ của Mỹ mà còn cả của Nga. Điển hình như tàu vũ trụ Soyuz của Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cho các nhiệm vụ trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Trong những năm tới, NASA hy vọng sẽ lại vượt ra ngoài quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất trong các sứ mệnh lên Mặt Trăng và Sao Hỏa thông qua tàu vũ trụ Orion do cơ quan này phát triển.
Ngoài các vũ trụ của NASA và Roscosmos, phi hành gia Mỹ và các nước cũng có thể sử dụng các tàu vũ trụ tư nhân của SpaceX và Boeing cho một sứ mệnh ngoài không gian. Việc du hành vũ trụ có thể sớm được tư nhân hóa trong 10 năm tới.
Tàu vũ trụ Soyuz của Nga. (Ảnh: NASA).
Các phi hành gia mới có thể bắt đầu sự nghiệp du hành tới Trạm Vũ trụ Quốc tế, hoặc trong các nhiệm vụ Mặt trăng sắp tới. Trạm vũ trụ ISS dự kiến sẽ tồn tại đến năm 2024, nhưng có thể được kéo dài đến năm 2028 hoặc thậm chí lâu hơn.
Với sự thành công của Artemis 1, điểm đến tiếp theo của các phi hành gia trẻ rất có thể sẽ là Mặt Trăng. Nếu thuận lợi, kế hoạch lên Sao Hỏa vào năm 2030 cũng có thể là một đích đến cho các phi hành gia mới.
Mặc dù công chúng chủ yếu chú ý đến các phi hành gia khi họ ở trong không gian, nhưng trên thực tế, các phi hành gia sẽ chỉ dành một phần nhỏ trong sự nghiệp của họ ở trên cao. Hầu hết thời gian của họ sẽ được dành cho việc đào tạo và hỗ trợ các nhiệm vụ khác.
Đầu tiên, các ứng viên phi hành gia sẽ có khoảng hai năm đào tạo cơ bản, nơi họ sẽ học huấn luyện sinh tồn, ngôn ngữ, kỹ năng kỹ thuật và những thứ khác mà họ cần để trở thành một phi hành gia.
Sau khi tốt nghiệp, các phi hành gia mới có thể được giao nhiệm vụ không gian hoặc được giao các vai trò kỹ thuật trong Văn phòng Phi hành gia tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston. Những vai trò này có thể bao gồm hỗ trợ các nhiệm vụ hiện tại hoặc tư vấn cho các kỹ sư của NASA về cách phát triển tàu vũ trụ trong tương lai.
Hầu hết thời gian của các phi hành gia sẽ được dành cho việc đào tạo và hỗ trợ các nhiệm vụ khác, thời gian dành cho các sứ mệnh ngoài không gian chỉ chiếm một phần nhỏ. (Ảnh: NASA)
Trong 18.353 đơn đăng ký trở thành phi hành gia được gửi đến NASA, chỉ có vài người được chọn. Bước đầu tiên, phòng nhân sự NASA xem xét từng ứng viên để xem họ có đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản hay không. Mọi ứng viên đủ điều kiện sau đó sẽ được xem xét bởi một hội đồng - Hội đồng đánh giá phi hành gia.
Hội đồng đánh giá bao gồm khoảng 50 người, chủ yếu là các phi hành gia hiện tại. Hội đồng sẽ chọn ra vài trăm ứng cử viên có trình độ cao nhất, sau đó kiểm tra tài liệu tham khảo đối với từng ứng cử viên.
Sau bước đầu tiên số ứng cử viên giảm xuống chỉ còn 120 người. Hội đồng tuyển chọn phi hành gia, sau đó sẽ gọi những ứng viên này để phỏng vấn và kiểm tra y tế. 50 ứng cử viên hàng đầu trải qua vòng phỏng vấn thứ hai và kiểm tra y tế nhiều hơn. Những ứng viên phi hành gia cuối cùng sẽ được chọn từ nhóm 50 người này.
Các ứng cử viên may mắn lọt vào danh sách nhận được một cuộc điện thoại từ người đứng đầu Ban Giám đốc Điều hành Chuyến bay tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA, cũng như trưởng Văn phòng Phi hành gia. NASA yêu cầu các ứng viên chỉ chia sẻ tin tức với gia đình trực hệ của họ cho đến khi NASA có thể đưa ra thông báo chính thức.
NASA thường tổ chức một cuộc họp báo để công bố các ứng cử viên mới, đồng thời mời các nhà báo và những người có tài khoản mạng xã hội đặt câu hỏi về lớp phi hành gia mới. Sau đó, các ứng viên nhanh chóng lao vào đào tạo, khiến họ có rất ít thời gian để nói chuyện với thế giới bên ngoài, ít nhất là trong vài tháng.