Theo kết quả điều tra được công bố ngày 25/4 trên báo chí, gần 70% bức ảnh (thường hoặc động) được trao đổi với nhau qua điện thoại di động của giới trẻ tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đều liên quan đến vấn đề nhạy cảm về giới tính.
Cuộc nghiên cứu điều tra “Giới trẻ Arab với chiếc mobile” được tiến hành dựa vào sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban điều tra xã hội, lực lượng cảnh sát và Công đoàn thanh niên tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Kết quả phỏng vấn, kết quả trả lời câu hỏi điều tra, kết hợp cùng 1.470 dữ liệu nội dung được lưu trong những chiếc máy điện thoại di động do lực lượng cảnh sát tôn giáo trong vùng Qasim và vùng phía bắc của Riyadh thu giữ được đã khẳng định: “70% nội dung tin nhắn hình của thanh niên ở đây có liên quan đến vấn đề nhạy cảm giới tính”.
Nhà nghiên cứu xã hội học Abdullah Mohammad Al-Rasheed trong báo cáo tóm tắt điều tra của mình đã nêu: “69,7% tin nhắn hình của thanh niên liên quan đến giới tính nam - nữ; 8,6% lượng tin nhắn hình còn lại là biểu hiện của bạo lực. Đây thực sự là điều đáng lo ngại”.
Nội dung tin nhắn hình trong những chiếc máy điện thoại di động được kiểm tra chủ yếu thuộc về thanh niên nam. Điều này gây lo lắng cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con gái và chính các cô gái trẻ cũng cảm thấy “không an toàn” và cần phải cảnh giác nhiều hơn.
Báo cáo nghiên cứu điều tra cũng đã chỉ ra rằng 88% các nạn nhân ngoài đời thật của các vụ án liên quan đến sex ở thanh niên đều do chịu ảnh hưởng từ nội dung các tin nhắn hình giới tính đó.
Theo quan sát chung, Luật Hồi giáo là một đạo luật chặt chẽ đối với thanh niên nam nữ tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Quốc gia đạo Hồi giàu có về nguồn dự trữ dầu khí trên thế giới này luôn cấm nền giáo dục hỗn hợp trong trường học, hệ thống giáo dục của họ là tách riêng các trường đạo tạo dành cho nam sinh và nữ sinh để tránh những vấn đề cuốn hút “giới tính nam nữ trong học đường” xảy ra.
Trong một nghiên cứu khác về “nữ giới đạo Hồi và di động” do giáo sư Rasheed đảm nhận đầu năm 2007 liên quan đến 1.200 nữ thanh niên từ 18 đến 25 tuổi, có đến 82% giới trẻ nữ được phỏng vấn trả lời rằng họ thường xuyên sử dụng công nghệ Bluetooth cho phép kết nối hai máy điện thoại di động không dây để liên lạc với nhau.
Đối với 99% trong số họ, công nghệ này đã “bẻ gãy hàng rào của những điều cấm kỵ xã giao và truyền thống ở các nước đạo Hồi”. Và hơn thế nữa, 3/4 trong số phiếu thăm dò điều tra (tức là khoảng 77%) nữ thanh niên đã thú nhận rằng họ đã sử dụng điện thoại di động để nhắn tin lần đầu tiên với bạn khác phái ngay chính trong các nhà thờ Hồi giáo khi đang đi lễ.
Hai báo cáo điều tra cùng thực hiện năm 2007 thể hiện hai vấn đề trong xã hội tại Các nước tiểu vương quốc Arab thống nhất hiện nay. Thứ nhất, cần giáo dục tư tưởng lành mạnh cho thanh niên. Thứ hai, liệu Chính phủ sẽ không còn “khắt khe” trong việc cho phép nữ thanh niên đạo Hồi được tự do sử dụng chiếc điện thoại di động để gọi điện và nhắn tin cho bạn bè khác phái?
Phương Thúy