Các rạn san hô tuyệt diệu chắc chắn sẽ chết hết nếu lượng CO2 trong khí quyển cứ gia tăng với tốc độ hiện nay, hấp thụ vào biển và khiến nước biển trở nên chua loét như axit.
Trong vài thập kỷ qua, san hô đã phải chịu những sức ép ngày một tăng từ việc nước biển ấm lên, đánh cá huỷ diệt và bệnh tật. Một nghiên cứu mới đây phát hiện thấy san hô ở Thái Bình Dương đang biến mất nhanh hơn những điều chúng ta tưởng.
Nghiên cứu, sẽ công bố tại cuộc họp ngày mai của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ, đã chỉ ra một nhân tố khác đang phá huỷ thành trì sinh thái dưới nước này: đó là CO2.
San hô bị tẩy trắng ở vùng Rạn san hô vĩ đại, Australia. (Ảnh: Brisbanetimes) |
Khi CO2 đi vào nước, nó sinh ra axit carbonic - loại axit dùng để tạo ra tiếng xèo xèo cho các loại nước đóng chai. Axit này cũng khiến cho một số khoáng chất dễ hoà tan hơn trong nước biển, đặc biệt là aragonite - khoáng chất được san hô và nhiều loài sinh vật biển khác dùng để tạo nên bộ khung xương.
Caldeira và cộng sự đã chạy thử các mô hình máy tính về phản ứng hoá học ở đại dương dựa trên sự thay đổi nồng độ CO2, từ 280 ppm tới 5.000 ppm. Họ phát hiện thấy, nếu xu hướng phát thải giữ nguyên như hiện nay, 98% vùng biển có san hô hiện nay sẽ trở nên quá chua để san hô có thể sống được, vào giữa thế kỷ này.
Nguy cơ lớn nhất đe doạ Rạn san hô vĩ đại - cấu trúc sống lớn nhất trái đất và là một biểu tượng của đất nước Australia, kế đến là san hô ở biển Caribbe.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo phải cắt giảm ngay lập tức và chặt chẽ lượng phát thải CO2 để làm chậm quá trình axit hoá đại dương này, trước khi tính đến các ảnh hưởng khác của hiệu ứng nhà kính.
Thuận An