Các nhà khoa học vừa gắn con dấu cảm ứng trên đầu những con hải cẩu voi, dùng để thu thập và cung cấp những dữ liệu quan trọng khi chúng bơi sâu gần lớp đáy đại dương ở Nam cực.
Những chú hải cẩu voi được gắn con dấu cảm ứng trên đầu - (Ảnh: Reuters)
Các nhà khoa học đã tiến hành gắn bộ cảm biến có trọng lượng khoảng 100 - 200 gam trên đầu 20 chú hải cẩu voi, và triển khai thăm dò ở khu vực phía đông Nam cực. Mỗi cảm biến có một bộ phận trả lời vệ tinh, giúp truyền dữ liệu thu thập và cứ 10 phút lại gửi thông tin về cho các nhà khoa học.
Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu khí hậu và sinh thái Nam cực CRC ở Tasmania cho rằng nơi những chú hải cẩu voi bơi đến là khu vực mà chưa tàu nào có thể đến được.
Sự tồn tại khu vực “nước ở đáy Nam cực” được biết đến từ lâu (đây là lớp nước sâu, dày gần đáy đại dương), những tác động của lớp nước này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy các đại dương trên thế giới.
Ông Guy Williams - chuyên gia băng của ACE CRC, đồng tác giả nghiên cứu dự án - cho biết những nghiên cứu mới sẽ giúp các nhà khoa học đánh giá tốt hơn về những thay đổi, cung cấp manh mối cho mô hình biến đổi khí hậu trên thế giới.