Một nghiên cứu cho thấy những con hải tượng đực, với khoảng 100 con cái để giao phối, gặp nhiều áp lực về sinh sản dẫn đến chết sớm.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy cơ chế sinh sản "đa thê cực đoan" có thể khiến hải tượng đực phương nam chết sớm. Nghiên cứu thực hiện trên 14.000 hải tượng phương nam (Mirounga leonina) tại Đảo Macquarie ở tây nam Thái Bình Dương đã phát hiện ra, mặc dù tỷ lệ sống sót của con đực và con cái gần như tương đương với con non, nhưng tỷ lệ sống sót của con đực giảm nhanh chóng sau 8 năm tuổi, xuống còn khoảng 50%, trong khi tỷ lệ sống sót của con cái không đổi ở mức 80%.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science và được Guardian dẫn lại.
Hải tượng phương nam là điển hình cho cơ chế sinh sản "đa thê cực đoan" ở một số loài động vật. (Ảnh: GRID-Arendal).
Theo Guardian, kích thước hai giống hải tượng phương nam cũng có những khác biệt đáng kể: khi trưởng thành, giống đực có thể nặng gần gấp 5 lần so với giống cái. Sự khác biệt về kích thước thường bắt đầu xuất hiện từ 3 - 6 tuổi, khi các hải tượng hoàn toàn trưởng thành.
Sophia Volzke, tác giả đầu tiên của nghiên cứu và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Tasmania, cho biết những con hải tượng đực to béo nhất sẽ có lợi thế sinh sản.
“Chúng chỉ có thể kiếm ăn từ đại dương”, cô nói. “Khi lên cạn (để sinh sản), chúng lại phải cạnh tranh với những con đực khác để tiếp cận con cái. Vì vậy, chúng cần dự trữ năng lượng để có thể chiến đấu và tồn tại trên cạn mà không cần ăn gì trong nhiều tuần liền”.
Loài này thể hiện "chế độ đa thê cực đoan", trong đó một số ít con đực chiếm ưu thế nhất - được coi như ông hoàng bãi biển - kiểm soát một vùng con cái để duy trì sinh sản.
“Một con đực có thể giao phối với khoảng 100 con cái”, Volzke nói. “Với quy mô hùng hậu như thế, chúng sẽ cho phép một con đực trẻ hơn hỗ trợ việc quản lý”.
Cô ấy nói thêm: “Điều đó phụ thuộc vào phạm vi quản lý và địa lý bãi biển - nếu bãi biển trải dài thì nhiều khả năng sẽ có một loạt nhóm nhỏ. Chỉ có khoảng 4% con đực trở thành ông hoàng bãi biển”.
Hải tượng đực bao quanh bởi những con hải tượng cái. (Ảnh: The Atlantic).
Các nhà nghiên cứu tin rằng áp lực cạnh tranh ép những con đực trưởng thành tăng cân nhanh nhất có thể, dẫn đến tỷ lệ sống sót thấp hơn vì những con đực cần kiếm ăn trên bờ, ở những khu vực có nguy cơ bị săn mồi cao hơn. “Những con đực trưởng thành tập trung kiếm ăn ở những vùng nước nông. Đây là cứ điểm cho các loài săn mồi ven bờ lui tới, như cá kình… hay cá mập ngủ”, nghiên cứu chỉ ra.
Volzke cho biết, dù cho hải tượng đực bắt đầu có khả năng sinh sản vào năm 6 tuổi, chúng hiếm khi cạnh tranh lại các cá thể đực khác cho đến năm 9 - 12 tuổi.
Hải tượng phương nam dành phần lớn thời gian trong năm dưới biển. Volzke thông tin thêm, những con đực thường lên bờ vào tháng 8 trên đảo Macquarie để tuyên bố chủ quyền bờ biển của mình. “Những con cái đến vào tháng 9 và tự tập hợp thành nhóm… những con đực sẽ đến và bảo vệ những nhóm đó”.
“Chúng ta có thể thấy một cá thể đực... lên bờ vào tháng 8 và tuyên chiến với một cá thể đực khác trên cùng một vùng biển. Nếu thua trận, nó sẽ quay lại biển”, Volzke nói. “Những kẻ thống trị thường có tiếng kêu rất lớn khiến các con đực khác e dè, đồng nghĩa với việc một vài cá thể đực không thể lên bờ vào thời điểm đó”.