Một nghiên cứu kéo dài hơn 40 năm cho thấy kích thước hàm răng của người giảm dần theo tuổi tác của chúng ta.
Lars Bondemark, giáo sư khoa chỉnh hình răng hàm mặt Đại học Malmo tại Thụy Điển, cùng các đồng nghiệp quan sát các khuôn quai hàm làm bằng thạch cao của các sinh viên nha khoa năm 1949 khi họ ở độ tuổi đôi mươi. Sau đó nhóm nghiên cứu so sánh các khuôn ấy với các mẫu khuôn quai hàm của chính những sinh viên nha khoa đó vào năm 1959 và 1989, Healthday đưa tin.
"Chúng tôi nhận thấy sau hơn 40 năm, hàm răng của con người ngày càng nhỏ”. Bondemark phát biểu trong một cuộc họp báo.
Trên thực tế, tuổi con người càng tăng thì chiều dài và chiều rộng hàm răng – chủ yếu là hàm dưới – càng giảm. Tình trạng ấy khiến khoảng cách giữa các răng trước ngày càng giảm.
Mức độ teo hàm của mỗi người là không giống nhau do tác động của yếu tố di truyền và kết cấu. Trong một vài trường hợp, những thay đổi này lớn đến nỗi chúng ta có thể nhận ra sự bất thường khi nhai, cắn.
"Trong trường hợp đó, chúng ta không nên lo lắng quá mức bởi đó là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, các nha sĩ cũng nên xem xét tình trạng teo hàm liên tục của bệnh nhân khi tìm hiểu khả năng nhai, cắn của họ”, giáo sư Bondemark nói
Vị giáo sư nhận định rằng chúng ta có thể loại bỏ khả năng răng khôn là nguyên nhân làm cho các răng trước bị dồn, bởi ngay cả những người chẳng có chiếc răng khôn nào vẫn có nguy cơ sở hữu hàng răng trước dày sít.