Hàn Quốc chi 1,85 tỉ USD để tự phát triển tên lửa đẩy mới

  •  
  • 420

Hàn Quốc vừa lên kế hoạch sẽ phóng tên lửa đẩy do nước này tự sản xuất để đưa vệ tinh lên quỹ đạo vào năm 2020, Tân Hoa xã dẫn thông tin của cơ quan chính phủ Hàn Quốc cho hay hôm 26/11.

>>> Hàn Quốc tuyên bố vụ phóng vệ tinh thành công

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Hàn Quốc vào hôm 26/11 đã phê duyệt chương trình phát triển nghiên cứu không gian mới đầy tham vọng, với việc tự chế tạo một tên lửa đẩy không gian, đưa tàu thăm dò hạ cánh lên mặt trăng, hợp tác quốc tế trong khám phá sao Hỏa và các tiểu hành tinh...

Theo đó, Hàn Quốc đang hướng đến việc phóng tên lửa đẩy tự chế tạo mang vệ tinh nặng khoảng 1,5 tấn để đặt vào quỹ đạo trước tháng 6/2020, sớm hơn kế hoạch trước đó 15 tháng.

Hàn Quốc chi 1,85 tỉ USD để tự phát triển tên lửa đẩy mới
Tên lửa Naro-1 rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Naro hồi tháng 1 qua. Hàn Quốc vừa đề ra kế hoạch phát triển tên lửa đẩy lớn hơn, sớm hơn kế hoạch trước đó 15 tháng - (Ảnh: AFP)

Hãng tin Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc cho biết, Chính phủ nước này sẽ chi ra tổng cộng 1,96 nghìn tỉ won (khoảng 1,85 tỉ USD) để tài trợ cho chương trình mới.

Được biết, vào ngày 30/1 qua, Hàn Quốc đã phóng tên lửa đẩy KSLV-1 (Korea Space Launch Vehicle-1, còn được gọi là Naro-1) nặng 170 tấn từ Trung tâm Vũ trụ Naro ở bờ biển phía nam Hàn Quốc, đưa thành công vệ tinh Khoa học và công nghệ 2C (STSAT-2C) nặng 100kg vào không gian.

Tuy nhiên, tên lửa KSLV-1 không phải do Hàn Quốc tự chế tạo mà nhờ sự trợ giúp của Nga. Cụ thể, tầng hai của Naro-1 - tên lửa gồm hai tầng sử dụng nhiên liệu rắn - do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc chế tạo, trong khi tầng đầu tiên do Trung tâm Nghiên cứu và Chế tạo không gian Khrunichev (Nga) thực hiện.

Theo AFP, tham vọng không gian của Hàn Quốc trong những năm qua bị kiềm chế bởi đồng minh Mỹ do Washington lo ngại việc đất nước Đông Á này phát triển chương trình tên lửa không gian sẽ kéo theo sự chạy đua vũ trang trong khu vực, đặc biệt là đối với CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, Nhật Bản và Trung Quốc đã có đợt phóng vệ tinh đầu tiên trong thập niên 1970, Ấn Độ thành công trong thập niên 1980. Còn Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, do thiếu sự hỗ trợ của Mỹ đã phải tụt lại phía sau.

Theo Thanh Niên
  • 420