Quả cầu lửa xanh khiến bầu trời Tây Ban Nha sáng như ban ngày

  •  
  • 177

Cầu lửa từ mảnh vỡ sao chổi di chuyển ở 160.934km/h phát ra ánh sáng màu trắng, xanh lá cây và xanh dương chói mắt vào gần nửa đêm.


Cầu lửa sáng rực trên bầu trời Tây Ban Nha cuối tuần trước. (Video: ABC News)

Hôm 18/5, người dân trên khắp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có cơ hội chứng kiến cầu lửa phát nổ ngay phía trên đầu họ, theo Space. Vào gần nửa đêm, cầu lửa lao vọt qua bầu trời, để lại vệt đuôi rực rỡ. Những thước phim chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội ghi lại cảnh tượng ánh sáng màu trắng, xanh lá cây và xanh dương từ cầu lửa khiến bầu trời đêm sáng như ban ngày.

Những thiên thạch đá thường xuyên bay qua khí quyển Trái đất ở độ cao lớn. Nhưng cuối tuần trước, vật thể xuất hiện trên bầu trời hai nước di chuyển ở tốc độ chóng mặt, khoảng 160.934 km/h, nhanh hơn gấp đôi tiểu hành tinh thông thường. Các chuyên gia nhận định đường bay của nó khá kỳ lạ do đó là mảnh vỡ của sao chổi, thiên thể băng hình thành vào thuở sơ khai của Hệ Mặt trời. Nó vỡ ra ở độ cao 60km phía trên Đại Tây Dương và không có mảnh vỡ nào rơi xuống mặt đất, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Theo Meg Schwamb, nhà thiên văn học hành tinh ở Đại học Queen Belfast, không hiếm sao chổi tạo ra mưa sao băng. "Chúng ta có nhiều trận mưa sao băng lớn quanh năm, kết quả khi Trái đất lướt qua đám mây mảnh vỡ của sao chổi", Schwamb cho biết. Ví dụ, mưa sao băng Perseid diễn ra vào tháng 8 hàng năm là kết quả khi Trái đất di chuyển qua tàn tích của sao chổi Swift-Tuttle. Những trận mưa sao băng đó thắp sáng bầu trời theo cách tương tự vật thể bốc cháy cuối tuần trước.

Quả cầu lửa màu xanh rơi xuống Tây Ban Nha.
Quả cầu lửa màu xanh rơi xuống Tây Ban Nha.

Không khí phía trước vật thể bị nén lại và nóng lên, khiến nó xói mòn, nứt ra và tan vỡ. Quá trình phá hủy giải phóng ánh sáng và sóng xung kích nếu vật thể đủ lớn. Schwamb suy đoán vật thể tạo ra cầu lửa ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lớn hơn một chút so với thiên thạch thường thấy trong mưa sao băng nên sáng hơn.

Ngoài ánh sáng lóa mắt, quá trình tan vỡ của mảnh sao chổi có thể giúp các chuyên gia phát triển biện pháp bảo vệ Trái đất khỏi tiểu hành tinh lớn. Giới nghiên cứu lo ngại một số thiên thể bị bỏ sót không phát hiện kịp thời sẽ phát nổ với lực tác động nguy hiểm phía trên thành phố. Ví dụ, thiên thạch 16,8 m phát nổ phía trên thành phố Chelyabinsk của Nga năm 2013, không được phát hiện trước. Vụ nổ trên không của nó tương đương gần 500.000 tấn thuốc nổ TNT, gây thiệt hại diện rộng và khiến ít nhất 1.200 người bị thương.

Tuy nhiên, một loạt đài quan sát thế hệ mới sắp hoạt động trong vài năm tới, bao gồm đài quan sát Vera C. Rubin ở Chile, có thể phát hiện hàng triệu tiểu hành tinh mờ nhạt chưa từng biết trước đây.

Cập nhật: 21/05/2024 VnExpress
  • 177