Hang khủng long cung cấp những chi tiết mới về biến đổi khí hậu thời cổ đại

  •  
  • 1.215

Tiếp theo khám phá về hang khủng long đầu tiên ở Montana, nhà cổ sinh vật Anthony Martin đến từ đại học Emory đã tìm ra bằng chứng về nhiều hang khủng long khác – lần này là ở nửa kia Trái đất, mãi tận Victoria, nước Úc.

Phát hiện này sẽ được công bố trên tờ Cretaceous Research tháng này. Nó cho thấy hành động đào hang có ở các con khủng long thuộc nhiều loài khác nhau, sống ở các vùng Trái đất khác nhau, và kéo dài qua hàng triệu năm suốt kỷ Cretaceous, khi một số loài khủng long còn sống ở vùng cực của Trái đất.

“Nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thay đổi địa chất, và các sinh vật đã thích nghi như thế nào khi Trái đất trải qua những giai đoạn ấm lên hoặc lạnh đi toàn cầu,” Martin nói.

Năm 2006, khi hợp tác với các đồng nghiệp đến từ đại học bag Montana và Nhật Bản, Martin đã xác định được vết tích xương của một con khủng long trưởng thành và hai con nhỏ trong một hang hóa thạch ở tây nam Montana. Về sau, loài khủng long này mang danh pháp khoa học là Oryctodromeus cubicularis.

Các nhà nghiên cứu đặt ra giả thuyết rằng, bên cạnh tác dụng làm nơi chăm sóc khủng long mới sinh, những hang này còn giúp một số loài khủng long chống chọi với môi trường khắc nghiệt.

Một năm sau phát hiện tại Montana, Martin đã tới vùng bờ biển Victoria. Địa tầng Phấn trắng Dưới của vùng Victoria có tập hợp xương khủng long lớn nhất trên thế giới theo ghi chép.

Nhà cổ sinh vật học Anthony Martin đến từ đại học Emory đã tìm thấy những bằng chứng về hang khủng long ở Victoria, nước Úc. (Ảnh: thuộc bản quyền đại học Emory)

Suốt hành trình tiến vào một vùng xa xôi thuộc miền tây Melbourne mang tên Knowledge Creek, Martin đã rất ngạc nhiên khi tận mắt thấy dấu vết hóa thạch của một hang khủng long gần giống y hệt hang mà ông đã phát hiện tại Montana.

Chiếc hang được xác định thuộc vào đầu kỷ Cretaceous theo vết khắc axit, và có chiều dài 6 feet, đường kính 1 foot. Cửa hang dẫn xuống một đường dạng xoắn ốc, và kết thúc bởi một khoang lớn. Về sau Martin tìm được thêm hai vết tích hóa thạch tương tự ở cùng khu vực.
Giai đoạn cuối trong thời kỳ ấm lên toàn cầu

Các hóa thạch phát hiện được ở Victoria có lẽ được hình thành cách đây 110 triệu năm, khi châu Úc tách rời ra khỏi châu Nam cực, và khủng long đã đi trong bóng tối vùng cực kéo dài, rồi dọc theo vùng đồng bằng sông rộng lớn ở nam Australia ngày nay. Đó là một trong những lần cuối Trái đất trải qua hiện tượng ấm lên toàn cầu, với nhiệt độ trung bình khoảng 680F – nóng hơn ngày nay 100.

Tuy nhiên, trong suốt mùa đông ở vùng cực, nhiệt độ có thể xuống dưới mức đóng băng. Trước đây các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng khủng long nhỏ ở vùng này tồn tại qua khí hậu khắc nghiệt bằng cách ẩn náu dưới những rễ cây to hoặc trong những thung lũng lòng chảo. Tuy nhiên, phát hiện của Martin cho thấy, có thể chúng đã đào sâu xuống lớp đất mềm bên bờ các dòng sông chảy ra từ thung lũng.

Xem xét tuổi thọ, kích thước và hình dáng của các hang đã khiến Martin nảy ra giả thuyết rằng chúng được đào bởi những con khủng long chân chim nhỏ bé – loài động vật ăn cỏ rất phổ biến ở vùng này thời đó. Loài khủng long này đứng thẳng trên hai chân sau và có kích cỡ bằng loài cự đà to lớn ngày nay.

“Thật thú vị khi tìm thấy bằng chứng cho thấy những loài khủng long chẳng có gì liên hệ với nhau lại cùng có một hành vi chung,” Martin nói. “Phát hiện này giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về con đường tiến hóa của khủng long cùng những cách mà chúng đã dùng để chống chọi với những môi trường khắc nghiệt".

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 1.215