Sức khỏe của hàng trăm triệu người trên địa cầu có thể gặp nguy hiểm do những loại cây dùng làm thuốc đang bị khai thác quá mức.
|
Thủy tùng Himalaya, một loại cây có chất chống ung thư. Ảnh: alibaba.com. |
“Sự biến mất của các cây thuốc là một thảm họa thực sự”, Sara Oldfield, tổng thư ký của Tổ chức bảo tồn các vườn bách thảo quốc tế, nhận xét.
Phần lớn dân số thế giới, trong đó có 80% người châu Phi, hoàn toàn phụ thuộc vào dược thảo để chữa bệnh. Theo một báo cáo của tổ chức bảo tồn quốc tế Plantlife, trên khắp thế giới có khoảng 50.000 loại cây có thể dùng làm thuốc, nhưng xấp xỉ 15.000 trong số đó đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tình trạng thiếu dược thảo đã xảy ra ở Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Nepal, Tanzania và Uganda.
Khai thác quá mức vì mục đích thương mại là nguyên nhân chủ yếu khiến dược thảo ngày càng trở nên khan hiếm. Các nguyên nhân khác bao gồm ô nhiễm môi trường, sự cạnh tranh của các loài thực vật xâm lấn, nạn chặt phá rừng, sự thoái hóa đất đai.
“Người ta lấy dược thảo để bán cho các công ty sản xuất thuốc mà không hề chú ý tới việc tái tạo thế hệ sau. Thiếu hiểu biết là một trong những lý do gây nên tình trạng này. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thói quen thu hái vô tổ chức cũng là những nguyên nhân”, báo cáo của Plantlife khẳng định.
Trong số những dược thảo sắp tuyệt chủng có thủy tùng trên dãy núi Himalaya – nguyên liệu để bào chế thuốc chống ung thư paclitaxel; cây anh đào châu Phi (Prunus africana) có chứa chất chữa các bệnh ở tuyến tiền liệt; cây quế Warburgia (thuộc họ Bạch quế bì) có khả năng chống sốt rét.
Báo cáo cho rằng giải pháp hiệu quả nhất để bảo tồn dược thảo là tạo ra động lực để người dân bảo vệ chúng. Những dự án giao đất trồng dược thảo tới từng hộ dân ở Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Uganda và Kenya đang gặt hái thành công. Tại Uganda, dự án bảo tồn dược thảo thuộc họ Bạch quế bì giúp người dân có nguồn cung cấp thuốc trị sốt rét giá rẻ. Các khu bảo tồn dược thảo do các khu dân cư quản lý cũng đã được thành lập ở Trung Quốc.
“Cải thiện sức khỏe, có thêm thu nhập và giữ gìn truyền thống văn hóa là những động lực quan trọng để người dân bảo tồn các cây thuốc và môi trường sống của chúng. Trong hoạt động bảo tồn, chúng ta phải bắt đầu từ những thứ mà người dân quan tâm”, báo cáo khẳng định.