Hãy đặt tên cho một loài sâu nếu muốn danh tiếng muôn đời

  •  
  • 740

Jeff Goodhartz sống một mình và không có con. Nhưng ông lại muốn họ tên mình sẽ tiếp tục lưu truyền sau khi ông mất. Vì thế ông đã bỏ ra 5000 đôla để đặt tên cho một loài sâu mới phát hiện: “goodhartzorum”.

“Điều này làm tôi thấy vui sướng”, thầy giáo dạy toán 55 tuổi tại trường cấp 3 cho biết. Con vật cùng tên với ông có màu trong mờ, tô điểm với búi lông màu xanh rực rỡ. “Họ của tôi sẽ tồn tại trong tự nhiên”.

Con sâu sẽ bơi trong cây đước Belize, nơi ai đó đã phát hiện ra nó.

Goodhartz mua quyền đặt tên từ Viện hải dương học Scripps. Viện đã thực hiện chương trình đặt tên cho loài từ đầu năm nay. Ý tưởng mới cho việc phân loại này cũng là một cách gây quỹ cho nghiên cứu khoa học. Thực chất rất nhiều nhóm đã tham gia thực hiện.

Nhưng sự phổ biến ngày một lớn mạnh của nó đã châm ngòi cho các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề liệu sự việc này có làm nảy sinh các khám phá giả cũng như dẫn đến việc bỏ sót loài chưa phát hiện hay không.

Andrew Polaszek – nhà côn trùng học tại bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại London – cho biết: “Có thể ai đó sẽ bịa ra một loài mới nhằm kiếm chút tiền nếu như sự việc sinh lợi nhuận”.

Jeff Goodhartz cầm bức ảnh loài sâu mới phát hiện Belize Featherworm trong phòng học khoa học của trường cấp 3 Granite Hills (El Cajon, California), nơi ông hiện đang giảng dạy, vào thứ tư, ngày 4 tháng 6 năm 2008. (Ảnh: AP/ Sandy Huffaker)

Công việc phân loại các loài nằm trong số những nghề lâu đời nhất trên thế giới, kể từ thời điểm nhà thực vật học Thụy Điển Carl Linnaeus sống vào thế kỉ 18. Ông đã phổ biến hệ thống phân loại vẫn còn được sử dụng đến ngày nay. Trong số 30 triệu loài động vật, thực vật cũng như vi sinh vật trên Trái Đất, chỉ có khoảng 1,8 triệu loài được phát hiện và đặt tên cho đến nay.

Thông thường, người phát hiện ra sinh vật mới sẽ đặt tên cho nó. Tất cả các sinh vật sống đều có một cái tên khoa học gồm 2 phần, thường bằng tiếng La-tinh. Người có công phát hiện có xu hướng đặt tên loài mới theo tên của họ, hoặc tên của bạn đời, con cái, đồng nghiệp, những người hảo tâm hay thậm chí cả những người nổi tiếng.

Trong những năm gần đây, tên loài đã chuyển từ tay những người phát hiện đặt tên sang đấu giá hoặc bán cho những người tình nguyện hỗ trợ nghiên cứu khi mà các quỹ tài trợ đang cạn kiệt. Không phải tên tất cả các loài đều như nhau. Những sinh vật hiếm hơn, tiến hóa cao hơn thì có giá cao hơn.

Doug Yanega – nhà côn trùng học thuộc đại học California, Riverside – đề nghị có ngân hàng hối đoái đảm nhận công việc xem xét và công bố danh sách tên các loài động vật. Hiện nay, biệt danh của các loài nằm rải rác trên các tạp chí khoa học, một số cái tên dành được sự quan tâm nhiều hơn những cái khác.

Nỗ lực phân loại các loài đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nhưng lại có xu hướng phân loại các tên đang có cũng như việc thực hiện thường do tự nguyện. Chương trình Census of Marine Life chuyên ghi chép về các loài động vật biển. Tuần trước đã có 122.500 cái tên của các loài sinh vật biển được xác nhận cho đến nay cùng với 56.400 biệt danh – những cái tên khác được đặt cho cùng một loài qua nhiều năm.

Yanega không phản đối các nhà khoa học uy tín bán bản quyền đặt tên để gây quỹ hỗ trợ cho nghiên cứu của họ, nhưng ông lo sợ rằng những người không có tâm sẽ coi đây là một chương trình kiếm chác.

Yanega nói rằng: “Khả năng lạm dụng việc này là quá lớn. Hơn nữa lại quá dễ dàng để quay vòng cũng như khai thác hệ thống”.

Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng tên loài giả mạo rất hiếm khi xảy ra, nhưng nếu nó mang lại lợi nhuận thì mọi việc đều có thể thay đổi.

Ủy ban danh pháp động vật quốc tế (The International Commission on Zoological Nomenclature) đã xuất bản các quy định về tên của các loài động vật. Theo Ellinor Michel – người đứng đầu ủy ban, cơ quan này không có ý kiến về vấn đề nói trên.

Tại Scripps, trước khi một loài được đưa ra để bán, các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra cơ sở trên các tạp chí khoa học cũng như tiến hành các thí nghiệm ADN để chắc chắn rằng nó là duy nhất.

Người phụ trách Scripps, Greg Rouse, cho biết: “Chúng tôi sẽ không đưa ra một loài nào đó trừ phi chúng tôi chắc chắn tuyệt đối rằng nó chưa hề được đặt tên trước đây”. Tên của ông được một đồng nghiệp đặt cho loài sâu feather-duster Australia (Pseudofabriciola rousei).

Rouse cũng là người phát hiện ra sâu Goodhartz. Ông tìm thấy nó trong một cây đước sống dưới nước trong khi đang bơi với ống thở ngoài xa bờ biển Belize 2 năm trước. Đó không chỉ là một loài mới mà còn là một thành viên trong gia đình Belize featherworm.

Mặc dù nó sẽ được gọi với cái tên goodhartzorum, Rouse vẫn là người quyết định tên loài.

Nằm trong số các nhóm bảo tồn thành công tài trợ tên loài là nhóm phi lợi nhuận Biopat của Đức. Họ đã gây quỹ 700.000 đôla kể từ năm 1999 cho các nghiên cứu về đa dạng sinh học qua việc bán hơn 100 tên loài từ ếch nhái cho đến bọ cánh cứng hay nhện.

Một số cuộc đấu giá trực tuyến đã khiến quyền đặt tên loài trở thành sự kiện nóng.

Năm 2005, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã đã gây quỹ 650.000 đôla cho một loài khỉ mới tại Bolivia. Nó được đặt theo tên của người trả giá cao nhất, sòng bạc trên internet GoldenPalace.com, nổi tiếng với những phi vụ mua bán kì lạ bao gồm một chiếc bánh san-uych pho mát nướng có mang hình Đức mẹ đồng trinh trên một nửa chiếc bánh theo lời cam đoan của chủ sở hữu.

Tên khoa học của loài khỉ nói trên là Callicebus aureipalatii, theo tiếng La-tin có nghĩa là “Golden Palace” nhưng nó thường được biết đến với cái tên “Khỉ GoldenPalace.com”.

Năm ngoái Bảo tàng lịch sử tự nhiên Florida đã thu được 40.800 đôla từ một người ẩn danh nhờ một loài bướm lạ ở Mexico. Nó được đặt theo tên một bà mẹ Ohio đã mất có 3 người con trai đã chiến đấu trong thế chiến thứ hai.

Nhà động vật học Jon Norenburg thuộc bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonia không phản đối việc mua bán tên loài vì công việc phân loại đã trở nên vô nghĩa, mua bán tên loài cũng rơi vào con đường đó. Nhưng ông cảnh báo rằng có thể một cái tên người mua ưa thích sẽ không được chấp nhận về mặt khoa học.

Ông cho biết: “Người tình nguyện cần phải ý thức được rằng có thể tên của họ sẽ không được chấp nhận. Đây giống như việc đầu tư tài chính vậy. Bạn sẽ cần phải đặt ra câu hỏi: ‘Cần phải lưu tâm những vấn đề nào?’”.

Ngoài sâu Belize featherworm, Scripps cũng đã bán một loài sâu featherworm Australia trị giá 5.000 đôla cho một người phụ nữ dự kiến đặt tên nó theo tên chồng để làm quà kỉ niệm, hay loài sâu gai trị giá 10.000 đôla cho tập đoàn sản xuất điện thoại di động Nokia.

Người phát ngôn của hãng Jackie Evory nói rằng công ty đã tổ chức một cuộc thi đặt tên và chuyển cái tên đó sang tiếng La-tinh, tình cờ nó trở thành khẩu hiệu của hãng “Connecting People”.

Với 15.000 đôla, tên của bạn sẽ được đặt cho loài sên này. (Ảnh: ABC)

Bên cạnh đó còn có một loài sên biển giá 15.000 đôla, một cặp sâu ăn xương mỗi con giá 25.000 đôla và loài sâu sống ở lỗ phun thủy nhiệt rất hiếm giá 50.000 đôla. Người tình nguyện sẽ nhận được 1 bức ảnh đóng khung sinh vật cùng tên với họ cũng như một bản sao bài báo khoa học viết về sinh vật đó.

Goodhartz – thầy giáo vùng ngoại ô San Diego, chưa bao giờ đặt chân tới những cánh rừng mưa nhiệt đới hay lặn trong dòng nước đầy hiểm nguy để tìm kiếm những sinh vật chưa được khám phá.

Nhưng ông hướng tới sự bất tử trong khoa học và hiểu rằng chắc chắn sẽ có người không đồng tình với việc mua bán của ông.

Ông nói: “Tôi không có được nó giống như một nhà khoa học. Nhưng nếu việc này có thể giúp Scripps thì có gì là xấu?”

Trà Mi (Theo PhysOrg)
  • 740