Hé mở cách thức hình thành hệ mặt trời

  •  
  • 1.813

Các nhà thiên văn học đã tìm được cái mà họ gọi là “chén thánh”, giúp giải thích cách thức hình thành hệ mặt trời.

Một ngôi sao “sơ sinh” đã lọt vào tầm quan sát của giới chuyên gia Trái đất ngay sau khi tượng hình, và đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn học chứng kiến được hiện tượng này.

Sao L1527 IRS hiện chỉ bằng 1/5 khối lượng mặt trời, và nó sẽ còn gia tăng kích thước khi đĩa vật chất quay xung quanh tích tụ hết lên bề mặt của nó.

Ngôi sao trên cao nhất chưa đầy 300.000 tuổi, quá trẻ so với tuổi đời đã 4,6 tỉ năm của mặt trời chúng ta. Nó đang nằm cách Trái đất hơn 450 năm ánh sáng, tại chòm sao Kim Ngưu.

Hình minh họa một hệ sao trong giai đoạn đầu
Hình minh họa một hệ sao trong giai đoạn đầu - (Ảnh: NRAO)

John Tobin của Đài quan sát Thiên văn Vô tuyến quốc gia (Mỹ) tại Tây Virginia cho hay, nó thậm chí có thể trẻ hơn nữa, dựa vào tốc độ tích lũy khối lượng trong quá khứ, tối thiểu là 150.000 tuổi. Nếu thực sự là như vậy, L1527 IRS thuộc vào nhóm thiên thể trẻ tuổi nhất từng được khám phá.

Phát hiện mới đã cung cấp mối nối đứt đoạn trong nỗ lực tìm hiểu làm sao những đám mây khí khổng lồ này sụp đổ để hình thành các ngôi sao hoàn chỉnh.

Thông thường, một ngôi sao hình thành khi đám mây khí sụp đổ từ bên trong. Vật chất được hút ngược vào tâm và phôi sao tượng hình giữa trung tâm của đĩa khí và bụi.

Sau nhiều triệu năm, vật chất cứ tích tụ dần lên bề mặt phôi sao, tạo ra năng lượng. Và trong trường hợp của L1527 IRS, 90% năng lượng của nó xuất phát từ vật chất đáp lên bề mặt.

Theo chuyên gia Tobin, đĩa vật chất xung quanh ngôi sao trẻ chứa đủ vật chất để tạo ra bảy sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời, theo báo cáo trên chuyên san Nature.

Theo Thanh Niên
  • 1.813