Hệ thống giảm xóc siêu bền lấy ý tưởng từ bọ giáp sắt, xe cán mìn vẫn không hỏng

  •  
  • 2.062

Để tăng khả năng chống chịu trước các vụ nổ cho phương tiện quân sự, BAE Systems đã tìm kiếm câu trả lời từ loài bọ cứng nhất trong thế giới tự nhiên - bọ giáp sắt (ironclad beetle). Dựa trên ý tưởng về lớp vỏ và các chân của loài bọ này, nhà thầu quân sự nổi tiếng của Anh hiện đăng phát triển một hệ thống giảm xóc bằng hợp kim titanium có thể uốn cong - thay thế được vai trò của lò xo và khi cán phải mìn, chịu sức ép lớn của vụ nổ thì hợp kim này vẫn có thể trở lại trạng thái ban đầu mà không gãy vỡ.

Hiện tại, lớp vỏ của xe thiết giáp đã có thể bảo vệ chính phương tiện cũng như người ngồi trong trước sức công phá của các loại mìn bộ binh hoặc mìn tự chế IED. Thế nhưng nhiều bộ phận của phương tiện chẳng hạn như hệ thống giảm xóc vẫn có thể bị hư hại và điều này có nghĩa nó sẽ không thể tiếp tục hoạt động và cần được các đơn vị khác cứu hộ, từ đó ảnh hưởng đến thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Bọ giáp sắt.
Bọ giáp sắt.

BAE đã lấy ý tưởng từ lớp vỏ cứng và chân của bọ giáp sắt - một loại bọ ăn nấm bản địa tại Texas và Nam Mỹ và chúng sở hữu một trong những bộ xương cứng nhất trong số các loài động vật chân đốt. Nếu như bạn dẫm phải nó thì con bọ chỉ rụt người lại và sau đó bỏ đi mà không bẹp dí như con gián. Và nếu như bạn bắt được một con và muốn làm tiêu bản thì bạn sẽ cần đến một cái máy khoan bởi lớp vỏ của nó cứng đến nỗi bạn hầu như không thể ghim một chiếc đinh ghim thông thường xuyên qua cơ thể nó.

BAE muốn có được lớp vỏ và bộ khung gầm tương tự như bọ giáp sắt nhưng không giống như con bọ này với "vỏ và khung gầm" được làm bằng chitin thì họ sử dụng một hợp kim titanium có khả năng phục hồi trạng thái. Nó cùng một loại vật liệu với những chiếc gọng kính dẻo không gãy chúng ta đã thấy trên thị trường. Loại hợp kim này đã được phòng thí nghiệm hậu cần thuộc Hải quân Hoa Kỳ nghiên cứu từ những năm 60 của thế kỷ trước một cách rất tình cờ - cụ thể là một trong những giám đốc kỹ thuật của phòng thí nghiệm đã thử dùng hộp quẹt hơ nóng một miếng hợp kim bị cắt nham nhở và nó bất ngờ co trở lại hình dạng ban đầu. Kể từ phát hiện này, loại hợp kim tự phục hồi hình dạng đã bắt đầu được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ gọng kính cho đến tàu vũ trụ.

Đây là lần đầu tiên hợp kim titanium được sử dụng để chế tạo một hệ thống giảm xóc.
Đây là lần đầu tiên hợp kim titanium được sử dụng để chế tạo một hệ thống giảm xóc.

Nguyên mẫu đầu tiên của hệ thống giảm xóc đã được chế tạo để tham gia cuộc thi phát triển các nền tảng mặt đất độ bền cao không người lái do phòng thí nghiệm công nghệ, khoa học và quốc phòng (DSTL) thuộc chính phủ Anh khởi xướng. Theo BAE Systems thì đây là lần đầu tiên hợp kim titanium được sử dụng để chế tạo một hệ thống giảm xóc hoàn chỉnh và nó không chỉ có thể phục hồi trạng thái ban đầu sau tác động uống cong cực mạnh từ một vụ nổ mà còn có độ dẻo cao, cho phép thay thế hoàn toàn lò xo, từ đó đơn giản hóa thiết kế khung gầm cho phương tiện.

Các kỹ sư tại BAE cho biết những thử nghiệm ban đầu trên một nguyên mẫu tỉ lệ nhỏ của hệ thống giảm xóc bằng hợp kim titanium đã cho thấy những kết quả ngoài mong đợi khi nó có thể sống sót sau 5 lần thử sức với các vụ nổ ở cường độ tăng dần. Hiện tại BAE Systems đang tìm cách phát triển công nghệ để ứng dụng trên các phương tiện thật và dự kiến sẽ triển khai trên các chiến trường trong vòng 1 thập niên tới.

Marcus Potter - lãnh đạo bộ phận phương tiện mặt đất tại BAE Systems cho biết: "Loại hợp kim độc đáo này có thể tạo ra sự thay đổi lớn đối với các phương tiện chiến đấu tham gia các chiến dịch. Khả năng tương thích với những tình huống thay đổi bất ngờ là một điều cực kỳ quan trọng nhằm duy trì tính hiệu quả và ứng dụng của hợp kim titanium sẽ mang lại cho các lực lượng vũ trang sự linh hoạt cần thiết và khả năng sinh tồn nhằm hoàn thành nhiệm vụ trong các khu vực nhiều thách thức".

Cập nhật: 24/11/2016 Theo Tinh Tế
  • 2.062