Hi vọng về một thỏa thuận cứu loài người

  •  
  • 290

Thời gian không chờ đợi ai, và điều này càng đúng khi 185 nước tập hợp lại ở Bali (Indonesia) vào hôm nay để thống nhất về lộ trình ngăn chặn đà thay đổi khí hậu.

Khoảng 12.000 đại biểu, trong đó có 130 bộ trưởng môi trường từ 185 quốc gia và hơn 1.000 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh sẽ họp tại đảo Bali từ hôm nay (3-12) đến ngày 14-12 để đặt những nền móng đầu tiên cho một nghị định thư mới thay thế Nghị định thư Kyoto.

Học sinh Indonesia trồng cây trong chiến dịch trồng cây ở ngoại ô Jakarta trước thềm Hội nghị Bali hôm 1-12 (Ảnh: AP)

Thông tin từ ông Phạm Khôi Nguyên, bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, cho biết đại diện đoàn VN tham dự hội nghị Bali là Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Thành. 

"Chỉ còn ít thời gian để hành động"

Mới đây, ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) cho rằng báo cáo mới nhất của họ về khí hậu vẫn có sai sót. Tờ Spiegel Online dẫn lời Yvo de Boer, tổng thư ký của Hiệp định khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, nói: "Tương lai còn tệ hơn nhiều, vì những dự báo thảm họa của IPCC đưa ra dựa trên lượng chất thải CO2 hiện tại, mà thực tế mỗi năm con số này tăng thêm 3%. Các nhà khoa học đang nói với chúng ta rằng chỉ còn rất ít thời gian để hành động. Trong vòng 10-15 năm, chúng ta cần làm lượng khí thải CO2 hiện nay giảm xuống". 

Thực tế, Nghị định thư Kyoto (yêu cầu 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới cắt giảm khí thải xuống 5% thấp hơn mức năm 1990) đã không hiệu quả trong việc ngăn chặn nhiệt độ nóng lên. Cả Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ - "chủ nhân" của 1/3 lượng khí thải trên toàn cầu - đã không thông qua nghị định thư này. Như vậy, chỉ có chừng 800 triệu trong số 6,6 tỉ người trên toàn cầu cam kết giảm khí thải theo Kyoto trong khi phần còn lại thì không.

Sứ mệnh tiên phong của châu Âu

Châu Âu đang tiên phong trong việc đối phó với biến đổi môi trường hiện nay. Các chương trình, kế hoạch hành động của các chính phủ đều đưa vấn đề ngăn chặn khí hậu thay đổi là điểm ưu tiên.

Emil Salim, trưởng đoàn của Indonesia, nói: "Chúng tôi hi vọng hội nghị này giống như lễ đính hôn - các bên đến với nhau. Năm tới, hội nghị ở Ba Lan sẽ là lễ cưới, và ở Copenhagen thì một đứa trẻ sẽ ra đời". 

Thuyết phục Mỹ, nước có lượng khí thải nhiều nhất thế giới, là ưu tiên của châu Âu tại Bali. Họ hi vọng với những kết quả nghiên cứu của IPCC cùng với sự thay đổi tổng thống Mỹ năm 2009, nước Mỹ sẽ thay đổi lại chính sách hiện nay. Fatih Birol, kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng thế giới, cảnh báo: "Nếu không đưa Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ tham gia, chúng ta không có cơ hội giải quyết vấn đề này".

Ngoài ra, EU cũng muốn các nước đang phát triển kiểm soát lượng khí thải hiện nay. Đó là các quốc gia mới trỗi dậy về kinh tế và gây ô nhiễm lớn như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng cắt giảm khí thải không chỉ là mục tiêu duy nhất tại Bali. Nó còn bao gồm sáng kiến để giúp các nước nghèo, các vùng dễ bị ảnh hưởng có thể đối phó với việc thay đổi khí hậu thực tế. Ngoài ra, các đại biểu hi vọng sẽ đặt những viên đá đầu tiên cho việc xây dựng Nghị định thư Kyoto, sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Như vậy, thực chất thay đổi khí hậu không chỉ là thay đổi khí hậu. Đó còn bao hàm ý rộng hơn, liên quan tới tăng trưởng kinh tế, nước, an ninh lương thực và sự tồn vong của con người, đặc biệt là những người nghèo nhất thế giới. Tuyên bố Bali, nếu đạt được sau ngày 14-12, sẽ là thỏa thuận vì lợi ích của cả các nước đang phát triển và phát triển.

KHỔNG LOAN

Theo Tuổi trẻ
  • 290